menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Giá mía tăng nông dân lãi lớn nhưng các doanh nghiệp lại "đau hết cả đầu"

Dù mất mùa nhưng giá mía tăng đã giúp nhiều nông dân có lãi lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp mía đường lại 'đau hết cả đầu' vì thiếu nguyên liệu...

Mất mùa nhưng nông dân vẫn có lãi

Với 3 ha mía tơ, năm nay, ông Lê Thanh, xã Ea Tih, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) dự kiến thu về gần 150 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các chi phí.

Giá mía tăng nông dân lãi lớn nhưng các doanh nghiệp lại "đau hết cả đầu"

Nông dân xã Ea Tih, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đang thu hoạch mía. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Thanh nói: "Đây là lần đầu tiên, tôi có thu nhập từ cây mía cao như thế. Do trồng giống tốt và được tưới nước nên năm nay, năng suất mía của gia đình tôi đạt gần 100 tấn/ha".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vườn mía của ông Thanh là một trong những trường hợp cá biệt. Các vườn mía khác trên địa bàn do thời tiết bất lợi nên niên vụ này đa phần bị giảm năng suất đáng kể. Các vườn mía tốt, năng suất chỉ đạt chừng 70 tấn/ha, những ruộng mía từ 3-4 năm tuổi, năng suất chỉ chừng hơn 40 tấn/ha.

Giá mía tăng nông dân lãi lớn nhưng các doanh nghiệp lại "đau hết cả đầu"

Theo nông dân, năm nay do thời tiết bất lợi nên năng suất mía giảm mạnh. Ảnh: Duy Hậu.

Mặc dù vậy, so với niên vụ trước, do giá mía năm nay tăng thêm 200 ngàn đồng tấn, nên nông dân trồng mía vẫn đang có lãi khá. "Với năng suất bình quân 55 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời trung bình khoảng 35 triệu đồng/ha. Đất trồng mía đa phần chẳng trồng được cây gì. Vì vậy, số tiền lãi như thế đã là không nhỏ đối với nông dân chúng tôi"- ông Lê Văn Mạnh (xã Ea Tih) nói.

Quả thật như lời ông Mạnh, tại các vùng trồng mía trên địa bàn huyện Ea Ka như xã Ea Sô, Ea Tih... đất đai khô cằn, kém dinh dưỡng. Ngoài cây mía, các loại cây trồng khác đều kém phát triển. Tại một số vùng đồi, đất đai nhiều dinh dưỡng hơn, nông dân trồng nhãn nhưng loại cây này năng suất và giá cả cũng thất thường. Do đó, cây mía vẫn là lựa chọn tối ưu đối với nhiều nông dân.

"Nếu năm nay thời tiết thuận lợi thì người trồng mía chúng tôi đã có lãi lớn. Hiện giá mía thu mua tại đồng hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Trừ công chặt xong, mỗi tấn mía nông dân thu về 900 ngàn đồng. Tuy nhiên, do năng suất năm nay mất tới 30% nên gia đình tôi không còn được lời nhiều"- ông Trần Thanh Thịnh (xã Ea Sô) nói.

Doanh nghiệp mía đường buồn vì thiếu nguyên liệu

Trái ngược với niềm vui của nông dân, các doanh nghiệp mía đường lại "buồn" vì thiếu nguyên liệu. Ông Lê Tuân, Phó Giám đốc Công Cổ phần Mía đường 333 (Ea Kar) chia sẻ với PV Dân Việt: "Với sản lượng như hiện nay, nhà máy chỉ hoạt động được khoảng 70% công suất".

Giá mía tăng nông dân lãi lớn nhưng các doanh nghiệp lại "đau hết cả đầu"

Do diện tích mía bị giảm đáng kể nên các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang thiếu hụt nguyên liệu. Ảnh: Duy Hậu.

Cũng theo ông Tuân, nhà máy chế biến đường tinh luyện của công ty hiện có công suất 3.500 tấn mía/ngày. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững của nhà máy thì diện tích mía của công ty phải ổn định ở mức 7.000 – 7.500 ha, tương đương với sản lượng mía cây 400.000 – 450.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Công ty Cổ phần Mía đường 333 luôn thiếu hụt khoảng 100.000-150.000 tấn mía/năm. Trong khi đó, vùng nguyên liệu của công ty này đã được UBND tỉnh phê duyệt là gần 12 ngàn ha tại các huyện M'Drắk và Ea Kar, đảm bảo cho hoạt động của nhà máy.

"Do những năm trước, giá mía thấp, nhiều nông dân đã dần chuyển sang trồng một số cây dài ngày. Do đó, vùng nguyên liệu thu hẹp lại. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng xảy ra tại các doanh nghiệp mía đường khác nên xảy ra tình trạng cạnh tranh nguyên liệu"- ông Tuân nói.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk cũng không thể hoạt động hết công suất do không đủ nguyên liệu. Công ty này có 2.800 ha mía tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk) và Cư Prông (tỉnh Gia Lai).

Sản lượng mía bình quân mỗi năm tại vùng nguyên liệu này đạt 150.000 tấn/vụ. Trong khi đó, để hoạt động hết công suất của nhà máy, công ty này cần đến 250.000 tấn mía/vụ.

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk cho biết, hằng năm công ty đều có kế hoạch phát triển thêm diện tích mía. Tuy nhiên, với nông dân vùng này, cây mía vẫn còn mới mẻ, nên người dân vẫn còn e dè.

Theo lãnh đạo một số địa phương, ngoài lý do giá mía các năm trước giảm thì một nguyên nhân khác khiến nông dân chuyển đổi dần diện tích trồng mía là do giá vật tư nông nghiệp, phân bón... tăng. Do đó nhiều nông dân đã chuyển sang các cây trồng ít đầu tư hơn.

Theo định hướng đến năm 2030, diện tích mía của tỉnh Đắk Lắk sẽ ổn định ở mức 17.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,3 tỷ tấn/năm. Với quy hoạch này, các nhà máy mía đường trên địa bàn tỉnh sẽ không còn lo lắng về việc thiếu nguyên liệu.

Tuy nhiên, những năm qua, diện tích mía của tỉnh Đắk Lắk không ổn định. Nếu năm 2018, toàn tỉnh Đắk Lắk có 20.248 ha thì hiện nay diện tích này chỉ hơn 12.265ha.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại