menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Văn Thái

Giá lương thực và nhiên liệu tăng đe dọa hàng loạt quốc gia

Bất ổn tại Sri Lanka, Pakistan hay Peru đã cho thấy lạm phát đang đẩy các nước vào tình trạng nguy hiểm đến mức nào.

Đại dịch, thời tiết xấu và khủng hoảng khí hậu đã đẩy giá lương thực lên cao kỷ lục đầu năm nay, đe dọa hàng triệu người. Chiến sự Ukraine nổ ra khiến tình hình càng tồi tệ. Không chỉ giá lương thực, mà giá nhiên liệu cũng tăng vọt.

Sự kết hợp này có thể gây ra làn sóng bất ổn chính trị và kinh tế, khi người dân nổi giận với các lãnh đạo vì giá cả tăng cao. "Đây là điều rất đáng lo ngại", Rabah Arezki - cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Phi cho biết.

Bất ổn tại Sri Lanka, Pakistan và Peru trong tuần qua đã cho thấy các rủi ro này. Tại Sri Lanka, biểu tình nổ ra xung quanh việc giá khí đốt và các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Lạm phát hai chữ số tại Pakistan khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Imran Khan sụt giảm. Người dân Peru cũng bất mãn vì giá nhiên liệu tăng cao.

"Tôi không nghĩ rằng mọi người đã cảm nhận được hết tác động của việc tăng giá đâu", Hamish Kinnear – nhà phân tích khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft nhận định.

Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố cuối tuần trước là 159,3 trong tháng 3, tăng gần 13% so với tháng 2. Chiến sự tại Ukraine – nước xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn trên thế giới, cũng nhu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Nga – nước sản xuất lúa mì và phân bón lớn – được dự báo sẽ còn kéo giá tăng nữa trong vài tháng tới.

"40% lúa mì và ngô xuất khẩu từ Ukraine là sang Trung Đông và châu Phi – những nơi vốn đang vật lộn với nạn đói. Ở các nước này, thiếu lương thực hay giá tăng cao đều có thể gây ra bất ổn", Gilbert Houngbo – Giám đốc Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế - tháng trước cho biết.

Giá nhiên liệu toàn cầu cũng vậy. Giá dầu thế giới đã lên gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí than đá và khí đốt thiên nhiên cũng tăng vọt.

Nhiều chính phủ vẫn đang nỗ lực đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, những nước phải vay nợ nhiều để vượt qua cuộc khủng hoảng 2008 và đại dịch sẽ rất dễ bị tổn thương. Khi tăng trưởng chậm lại, kéo giá nội tệ giảm và khiến việc trả nợ khó khăn hơn, mục tiêu duy trì trợ giá lương thực và nhiên liệu sẽ càng khó, đặc biệt khi giá vẫn tiếp tục leo thang.

"Nhiều nước đang mắc nợ", Arezki giải thích, "Hậu quả là họ không có bộ đệm tài chính để kiềm chế căng thẳng sinh ra từ giá tăng cao".

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 60% nước nghèo nhất thế giới "đang khó trả nợ hoặc có rủi ro cao khó trả nợ" từ trước khi chiến sự Ukraine diễn ra.

Tại Sri Lanka – một quốc gia có 22 triệu dân – khủng hoảng chính trị và kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Người dân đổ ra đường biểu tình, bất chấp các lệnh giới nghiêm. Quốc gia này hôm nay đã phải tuyên bố vỡ nợ.

Với mức nợ cao và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, Sri Lanka đã buộc phải tiêu khá nhiều dự trữ ngoại hối. Việc này khiến họ khó thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như năng lượng. Điều này đang gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu, buộc người dân xếp hàng nhiều giờ chờ đổ xăng.

Các lãnh đạo nước này đã hạ giá nội tệ - đồng rupee Sri Lanka và cũng đang cố đảm bảo một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, việc này chỉ khiến lạm phát trong nước tồi tệ hơn. Hồi tháng 1, lạm phát tại đây chạm mốc 14% - gần gấp đôi tốc độ tại Mỹ.

Quốc hội Pakistan cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Khan cuối tuần trước, buộc ông rời nhiệm sở. Dù các vấn đề chính trị tại nước này đã tồn tại nhiều năm nay, giới phân tích cho rằng việc giá nhiên liệu, lương thực tăng cao, cùng dự trữ ngoại hối giảm sút đã khiến vấn đề càng thêm trầm trọng.

Tại Trung Đông và châu Phi, giới chuyên gia cũng đang theo dõi các dấu hiệu bất ổn chính trị tại những nước phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu từ Biển Đen, đồng thời có các khoản trợ giá hào phóng cho người dân.

Tại Lebanon – nơi gần ba phần tư dân số sống dưới mức nghèo khổ năm ngoái, do hậu quả của bất ổn chính trị và kinh tế, khoảng 70 – 80% lúa mỳ nhập khẩu là đến từ Nga và Ukraine. Còn ở Ai Cập – quốc gia nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, áp lực từ chương trình trợ giá bánh mỳ đang rất lớn. Quốc gia này gần đây đã phải thiết lập giá cố định cho loại bánh mỳ không được trợ cấp và đang cố gắng đảm bảo nhập khẩu lúa mỳ từ các nước như Ấn Độ và Argentina.

Với gần 70% người nghèo thế giới sống ở châu Phi, châu lục này sẽ "rất dễ tổn thương" trước giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, Arezki cho biết.

Hạn hán và xung đột tại những nước như Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Burkina Faso cũng tạo ra khủng hoảng lương thực với hơn một phần tư dân số lục địa này, Hội Chữ thập đỏ tuần trước cho biết. Tình hình có thể sẽ càng tồi tệ trong vài tháng tới.

Trong khi đó, kể cả các nước phát triển, có bộ đệm tài chính tốt hơn trong việc bảo vệ người dân khỏi bão giá, cũng không có đủ công cụ để chống chịu hoàn toàn.

Hàng nghìn người dân Hy Lạp tuần trước đã biểu tình đòi tăng lương để chống lạm phát. Cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp cũng được theo dõi sát sao khi ứng cử viên Marine Le Pen tập trung vào kế hoạch giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước cho biết nước này đang cân nhắc phát hành tem phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại