Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi “gồng lỗ”
Sản lượng thịt lợn tăng, trong khi nhu cầu thị trường yếu cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo giá lợn hơi về đáy.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8 vừa qua, nước ta nhập khẩu 12,2 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 30,49 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 55,6% về trị giá so với tháng 8/2022. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 lượng thịt lợn nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu thịt lợn trung bình về Việt Nam đạt 2.502 USD/tấn, tăng 20,4% so với tháng 8/2022.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, nước ta ta chi hơn 173,1 triệu USD để nhập khẩu 66,95 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, tăng 3,2% về lượng và tăng 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dừng kế hoạch tái đàn
Khác hẳn với không khí sôi động, nhộn nhịp trước đây bởi phương tiện vận tải, thương lái ra vào tấp nập, hơn 2 tháng nay, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) - nơi nuôi heo lớn nhất miền Bắc bỗng vắng hoe người qua lại.
Trao đổi với VTC News, anh Trần Mậu Thịnh, chủ trang trại chăn nuôi lớn nhất tại thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), cho biết, trước đây trang trại của gia đình lúc nào cũng có ít nhất 2.000 con heo trọng lượng hàng trăm kg/con.
“Có thời điểm giá heo cao, trang trại của gia đình nuôi đến hơn 5.000 con với hàng chục lao động thường xuyên làm việc. Năm 2020, giá heo cao, có tháng gia đình thu lãi hàng tỷ đồng vì số lượng chăn nuôi rất lớn”, anh Thịnh nhớ lại.
Theo anh Thịnh, gia đình mua heo nặng khoảng 100kg/con, giá hơn 5 triệu đồng tùy thời giá, cộng chi phí nuôi 20 – 30 ngày, mỗi con hết khoảng 1 triệu đồng, trong đó có 3 bao cám, thuốc thú y, điện, nước, công người chăn nuôi, dọn dẹp chuồng trại. Sau khoảng 30 ngày heo tăng khoảng 25- 30kg, anh Thịnh sẽ xuất bán.
Anh Thịnh tính toán, nếu heo hơi có giá 60.000 đồng/kg, mỗi con nuôi một tháng trừ hết các chi phí, gia đình sẽ thu lãi từ 800 ngàn đồng – 1 triệu đồng.
“Nếu nuôi mỗi con heo trọng lượng từ 100kg đến khi đạt 140kg sẽ hết hơn 4 bao cám, chi phí chăn nuôi hết khoảng 1,7 triệu đồng bao gồm cả nhân công chăn nuôi, điện nước, thức ăn gia súc, chưa tính chi phí khấu hao trang trại.
Nhưng bán với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo nuôi 1 tháng sẽ lỗ khoảng 300.000 – 350.000 đồng. Hiện nay, để giữ chân người lao động và duy trì trang trại, gia đình chỉ nuôi hơn 500 con, giảm đến 90% so trước đây”, anh Thịnh nói.
Không thể tiếp tục duy trì đàn heo như của gia đình anh Thịnh, anh Phạm Văn Hùng ở thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ là một trong số hàng trăm chủ trang trại, hộ chăn nuôi đã bỏ chuồng không tái đàn gần 3 tháng nay vì càng chăn nuôi càng thua lỗ.
Nói về trang trại chăn nuôi đã đầu tư hàng tỷ đồng, anh Hùng cho biết, vài tháng nay gia đình đã không còn chăn nuôi nữa.
“Trước đây, trang trại của tôi lúc nào cũng có từ 200 con trở lên, nhưng hơn 2 tháng nay, giá heo hơi xuống thấp, gia đình đã bỏ trống chuồng trại, chuyển sang nghề làm đậu phụ và quay lại trồng lúa để có thu nhập. Không phải gánh nợ bởi giấc mộng làm giàu vì chăn nuôi”, anh Hùng nói. “Ở thôn Đội 1 không chỉ gia đình tôi bỏ không chuồng trại, mà trong số hơn 400 hộ gia đình chăn nuôi trước đây, giờ còn lại chưa đến 100 hộ tiếp tục chăn nuôi. Số hộ này cũng chỉ duy trì từ vài con đến vài chục con”.
Chia sẻ thêm với Báo Công thương, ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT (Sơn La), cho biết, đã qua tháng 7 Âm lịch (thời điểm số người ăn chay gia tăng), mùa bước vào mùa tựu trường đã đến với những bếp ăn tập thể hoạt động trở lại nhưng sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn rất yếu.
Dịp này, dịch tả lợn châu Phi lại diễn biến phức tạp. Các hộ chăn nuôi sợ dịch bệnh tấn công trang trại nên bán tháo chạy đàn. Doanh nghiệp chăn nuôi cũng đẩy mạnh bán lợn 2 máu thải loại ra thị trường.
“Cầu không tăng nhưng cung tăng nên giá quay đầu giảm mạnh”, ông Bắc nói.
Cách đây vài ngày, trang trại của doanh nghiệp ông Bắc xuất bán 1.000 con lợn hơi thương phẩm với giá 54.000 đồng/kg, lỗ 150.000 đồng/con lợn khi xuất chuồng.
Theo ông, giá thức ăn chăn nuôi đã có vài đợt điều chỉnh giảm. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg, song giá thành sản xuất vẫn ở ngưỡng 55.000-56.000 đồng/kg. Do đó, những người chăn nuôi lợn như ông lại phải gồng lỗ.
“Từ đầu năm đến nay, số tháng người chăn nuôi lợn chịu thua lỗ nhiều hơn số tháng được thu lãi”, ông Bắc tâm sự.
Cục Chăn nuôi lên tiếng
Trả lời VTC News, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá cả chăn nuôi là câu chuyện điều tiết của thị trường, từ giá cả đầu vào, nguồn cung, khả năng tiêu thụ.
“Việc nhập khẩu thịt heo hay thực phẩm khác khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại là việc hết sức bình thường. Vấn đề là chúng ta phải giám sát chất lượng, đồng thời phát huy thế mạnh trong nước để xuất khẩu và nhập những mặt hàng chúng ta cần, chúng ta thiếu”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, có thời điểm giá heo lên đến 65.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc xuống đến hơn 40.000 đồng/kg là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục chỉ kiểm soát về tổng đàn, tăng cường chất lượng, giám sát đầu vào, nguyên liệu.
“Với giá quanh mốc 54.000 đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi không có lãi, nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn là người chăn nuôi thua lỗ. Tuy vậy, chúng ta phải chấp nhận khi thị trường lên thì chúng ta thắng lợi, khi thị trường xuống thì chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro”, ông Thắng nói.
Về góc độ quản lý ngành, ông Thắng cho biết, sẽ không có câu chuyện thiếu hụt thực phẩm, thịt heo cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các loại thực phẩm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đều giảm do thu nhập hạn chế.
“Khi nền kinh tế hạn chế, chi tiêu sẽ cắt giảm theo. Bên cạnh đó, tổng đàn heo hiện còn gần 27 triệu con, cùng với đó là các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, trứng, thủy hải sản. Do vậy, tổng đàn heo và các loại thực phẩm chắc chắn đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân Việt Nam từ nay đến hết Rằm tháng Giêng”, ông Thắng khẳng định.
Chỉ trong 3 tháng lại đây, giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên. Theo ghi nhận của Tiền Phong ngày 7/10, giá lợn hơi cả nước xoay quanh mức từ 50.000-53.000 đồng/kg. So với đầu tháng 7, hiện giá lợn hơi trên cả nước đã giảm hơn 20%, tương ứng mức 13.000-15.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thịt lợn bán ra tại các chợ truyền thống, siêu thị vẫn duy trì ở mức cao, gấp gần 3 lần giá lợn hơi. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt lợn hiện dao động từ 80.000-140.000 đồng/kg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận