Giá gạo tăng dần: Áp lực cho cả người mua, người bán
Nhiều tiểu thương đang vô cùng lo lắng khi giá gạo bán lẻ đang tăng dần và chưa có dấu hiệu chững lại.
Nhà bán lẻ lo âu
Chia sẻ với VTC News, ông Trần Trí Hiếu, chủ đại lý gạo Ngọc Phúc, không giấu được sự sốt sắng khi giá gạo ngày một leo thang.
Ông Hiếu cho biết, trước việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, từ ngày 20/7, giá gạo tại thị trường trong nước cũng liên tục tăng.
“Tôi nhập gạo bây giờ ngày nào cũng bị áp mức giá sàn, mỗi hôm một giá. Ví dụ một loại gạo A, ngày hôm nay được áp mức giá sàn là 18.000 đồng/kg thì giá này chỉ được duy trì đến 17h cùng ngày. Đến hôm sau, mức giá sàn đó có thể sẽ là 21.000 - 22.000 đồng/kg. Thêm vào đó, việc nhập hàng cũng trở nên khó khăn hơn vì hiện tại ở những kho tổng, kho lớn như ở Cai Lậy (Tiền Giang) dường như đang xảy ra tình trạng tích trữ, để chờ giá cao hơn rồi bán cho được giá”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, thậm chí có những thời điểm giá gạo biến đổi theo từng giờ. Điều này làm cho tiểu thương rất khó kinh doanh, bởi không thể bán cho người tiêu dùng với mức giá biến động theo từng giờ như vậy. “Giá gạo bán cho người tiêu dùng chúng tôi buộc phải tăng theo nhưng vẫn phải có độ trễ chứ tăng bụp một cái thì khách sẽ phản ứng", ông Hiếu nói.
Theo đó, hiện các loại gạo tại đại lý gạo này đều đã tăng giá từ 2.000 - 5.000 đồng mỗi kg, cá biệt có loại tăng tới 7.000 đồng/kg là gạo giống Nhật tăng từ 17.000 đồng lên 24.000 đồng/kg. Các loại gạo khác như gạo Bắc hương tăng giá từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/kg; gạo tám Thái hạt nhỏ tăng từ 18.000 đồng lên 21.000 đồng/kg…
Khảo sát tại nhiều đại lý gạo khác tại Hà Nội cũng cho thấy, giá gạo bán lẻ đã tăng vài lần trong một tuần trở lại đây. Anh Trí Dũng, chủ một đại lý gạo ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, một trong số những loại gạo rẻ nhất tại đại lý này là gạo Khang dân cũng đã trải qua 2 lần tăng giá, từ 16.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg và bây giờ là 18.000 đồng/kg.
Không chỉ ở Hà Nội, các tiểu thương tại Tp.HCM cũng cùng chung cảnh ngộ. Trả lời phỏng vấn báo Lao động, đại diện cửa hàng gạo H.Đ. ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết, các loại gạo ở đại lý gạo tăng giá theo nguồn cung nên các cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng. Hiện tại, cửa hàng không có loại gạo nào có mức giá dưới 14.000 đồng/kg.
“Khách mua số lượng nhiều thì phía cửa hàng mới giảm giá được, chứ mua ít vẫn phải bán theo mức giá bình thường. Giá gạo biến đổi theo ngày nên chúng tôi cũng không nhận đặt hàng trước”, đại diện cửa hàng gạo H.Đ. cho hay.
Cố gắng bình ổn giá
Tại các siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Go!, MM Mega Market, Lotte Mart… giá gạo vẫn ở mức ổn định. Phía Saigon Co.op cho hay, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị vẫn bình ổn. Đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hằng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đã cung ứng cho thành phố khoảng 3.311 tấn/tháng.
Trong tháng 7, giá bán lẻ trung bình gạo tẻ thường 15.900- 16.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon 19.500-20.900 đồng/kg, gạo nếp thường 22.600 đồng/kg, gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg... Đặc biệt, các mặt hàng gạo tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 không có điều chỉnh tăng giá.
Trường hợp có bất thường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phải xin Sở Tài chính, chỉ thay đổi trong khoảng 5-10%. Với những khu vực sức mua tăng, các doanh nghiệp cung ứng phải cân đối và tăng cung để tránh giá leo thang.
Cũng trong đầu tháng 8, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.
Tại văn bản hỏa tốc ngày 3/8 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký, Bộ Công Thương cho hay trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Cần mức giá sàn cho các mặt hàng gạo
Trả lời VTC News về thực trạng giá gạo biến động mỗi ngày, theo bà Phạm Bích Thủy, Công ty TNHH Tâm An Nông (Cần Thơ), lý giải, nguyên nhân một phần do gạo được bán “qua tay, sang tên” qua nhiều kênh. Vì thế, giải pháp hiện nay là cần có một mức giá sàn đối với các mặt hàng gạo. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần được giãn thời gian xuất khẩu để chuẩn bị kịp các công tác thu gom, sản xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận