Giá điện tăng, doanh nghiệp lo ứng phó
EVN cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng 5% từ ngày 1/4/2023 thì sẽ tác động đến CPI là 0,17 (điểm phần trăm).
Như vậy với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 4/5/2023 thì mức độ tác động đến CPI sẽ thấp hơn. EVN cũng dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Để đảm bảo chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4 tháng 5 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 4/4/2023 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Mặc dù, việc điều chỉnh giá điện bán lẻ tăng 3% như vừa rồi được cho là thấp hơn nhiều so với kịch bản được EVN xây dựng và trình Bộ Công thương xem xét trước đó. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, đặc biệt đối với một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy... Bởi thống kê cho thấy, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá bán sản phẩm đối với doanh nghiệp sản xuất thép và ngành hóa chất; chi phí này đối với ngành giấy chiếm từ 4-5%; đặc biệt ngành xi măng chiếm đến khoảng 14 - 15% giá thành sản phẩm.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong năm 2022 và hiện nay, giá điện còn chiếm tới 35% chi phí sản xuất. Do đó, việc tăng giá điện sẽ tác động đến giá thành sản xuất. Trước áp lực giá điện tăng, các doanh nghiệp xi măng có thể cũng phải tăng giá bán để bù lỗ. Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, tác động của giá than, giá dầu thế giới làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận. Cùng với đó, nhu cầu xi măng trong nước sụt giảm do giá vật liệu xây dựng tăng làm giảm/hoãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng... Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tiêu thụ xi măng trong nước. Tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng, Clinker toàn xã hội (bao gồm xuất khẩu) quý I năm 2023 đạt 20,76 triệu tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý I/2023, kết quả sản xuất kinh doanh của VICEM không mấy khả quan. Tổng sản phẩm chính tiêu thụ đạt 5,385 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 7.616 tỷ đồng; nộp ngân sách 409 tỷ đồng. Theo ông Lê Nam Khánh, chi phí điện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nên việc tăng giá điện sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Bởi vậy có thể thời gian tới, ngành xi măng cũng phải tính đến phương án tăng giá bán để bù đắp vào chi phí sản xuất. Tuy nhiên trong bối cảnh tiêu thụ xi măng được dự báo rất khó khăn thì nếu điều chỉnh tăng giá sẽ càng khó bán.
Ông Bùi Anh Dũng, Giám đốc Nhà máy Chi nhánh CTCP Vilacera Tiên Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay thị trường đang có dấu hiệu hồi phục nhưng còn rất khó khăn do hậu quả của những năm dịch Covid-19 để lại. Thị trường BĐS trầm lắng, giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng dẫn đến các ngành sản xuất vật liệu sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Tiên Sơn. Trong 4 tháng đầu năm 2023, đơn đặt hàng sụt giảm, hàng hóa không bán được trong khi giả cả nguyên vật liệu vẫn có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đầu ra khó khăn, giờ lại thêm tác động của việc tăng giá điện sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn thêm. Ông Bùi Anh Dũng cho biết thêm, hiện nay nhà máy đang phải sản xuất cầm chừng. Đặc biệt, sắp bước vào giai đoạn nắng nóng, mức tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tăng mạnh cả ở khối văn phòng và khối sản xuất của nhà máy là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí đầu vào. Doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như đầu tư máy móc công nghệ hiện đại tiết kiệm điện, sử dụng các loại đèn led và phát động phong trào tiết kiệm điện đến toàn bộ lãnh đạo, nhân viên của công ty.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng tới các nhu yếu phẩm... Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giá điện tăng thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thời điểm này rất “ngại” tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ. Để khắc phục ảnh hưởng của việc tăng giá điện, các doanh nghiệp cần bù đắp bằng việc tăng năng suất lao động, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và giảm thiểu các chi phí sản xuất khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận