24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá điện mặt trời giảm 24%, doanh nghiệp lo phá sản, Bộ Công Thương nói gì

Doanh nghiệp cho rằng giá điện mặt trời giảm 24% khiến các dự án không còn hiệu quả kinh tế thì Bộ Công Thương cho rằng mức giá mới hài hòa lợi ích các bên.

Đang có quan điểm khác nhau giữa doanh nghiệp làm điện mặt trời và Bộ Công Thương liên quan mức giá mới theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời (ĐMT).

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp ĐMT cho biết mức giá mua điện như Quyết định 13 quá thấp, trong khi thời hạn áp dụng giá mua bán điện lại quá ngắn… Đây là thách thức lớn cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Trong khi đó, trả lời VTC News, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết từ giữa 2018, Bộ Công Thương phối hợp với tư vấn quốc tế do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu, rà soát, cập nhật, dự báo giá thiết bị, chi phí đầu tư, tiềm năng bức xạ từng khu vực... để tính toán đề xuất giá bán điện mặt trời. Phương pháp, kết quả tính toán đã được xin ý kiến rộng rãi thông qua các hội thảo, đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

“Mức giá này đã được tính toán để đảm bảo tính khuyến khích, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - nhà nước-người dân”, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Về thời hạn áp dụng, đại diện Bộ Công Thương cho hay, một trong các điều kiện để được áp dụng giá bán điện theo Quyết định 13/2020 là các dự án ĐMT nối lưới đã có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019.

Như vậy, các dự án điện mặt trời này đã có sự chuẩn bị đầu tư ở các mức độ khác nhau từ thời điểm trên. Các chủ đầu tư cần tích cực để hoàn thành việc thi công và đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 để được hưởng giá bán điện quy định tại Quyết định 13.

Giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới không đủ điều kiện áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định 13 sẽ được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh.

Do đó nhà đầu tư cần lựa chọn địa điểm, vị trí dự án có cường độ bức xạ tốt, thuận tiện đấu nối vào hệ thống điện, điều kiện đấu nối cơ sở hạ tầng khác và các yếu tố khác để tính toán tính khả thi, đảm bảo hiệu quả đầu tư trước khi quyết định đầu tư.

Quyết định 13 đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới (FIT2) cho các dự án điện mặt trời mặt đất, mái nhà và nổi trên mặt nước. Trong đó, mức giá FIT mới 1.783 đồng/kWh (7,69 cent) dành cho dự án ĐMT nổi (trên mặt nước), 1.644 đồng/kWh (7,09 cent) với ĐMT mặt đất, 1.943 đồng/kWh (8,38 cent) với ĐMT trên mái nhà.

Trước đó, Quyết định 11/2017 do Thủ tướng ban hành tháng 4/2017 quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 9,35 cent/kWh. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án đầu tư và tham gia đầu tư điện mặt trời.

Nhiều doanh nghiệp ĐMT cho biết mức giá giảm 24% (với dự án điện mặt đất) so với trước đây khiến các dự án không còn hiệu quả kinh tế, không khả thi. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất vay đầu tư các ngân hàng trong nước khoảng 11 – 12%/năm. Hầu hết các đơn vị đang triển khai đối mặt với thách thức và hậu quả thiệt hại kinh tế rất lớn do không tiếp tục triển khai được các dự án do không vay được vốn tín dụng trong nước.

Thêm nữa, mức giá mua điện có thể chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện vay vốn tín dụng nước ngoài lãi suất thấp (2,5- 4%/năm theo USD, quy đổi khoảng 6 - 7,5%/năm với đồng VNĐ).

Bên cạnh đó, thời hạn áp dụng giá mua bán điện quá ngắn, từ khi có hiệu lực đến 31/12/2020 chỉ khoảng 7 tháng. Với các dự án đủ điều kiện quy định trong Quyết định, các nhà đầu tư cũng không thể triển khai kịp, kể cả các dự án đã triển khai xây dựng.

Nguyên nhân do khi kết thúc thời hạn áp dụng cơ chế giá theo Quyết định 11/2017, các dự án đang triển khai buộc phải dừng lại do các ngân hàng cung cấp tín dụng không giải ngân tiếp, chờ cơ chế giá mới để tính toán lại hiệu quả dự án mới quyết định giải ngân tiếp, thời gian dự kiến để tái khởi động lại việc đầu tư các dự án.

Theo TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, băn khoăn của doanh nghiệp đang đàu tư dự án ĐMT là hoàn toàn chính đáng. “Doanh nghiệp kinh doanh phải tính đến hiệu quả kinh tế. Từ 9,35 cent xuống 7,09 cent là mức chênh lệch quá lớn. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà đưa ra giá thấp khác biệt như vậy. Tôi cho đây là mức giá không hợp lý. Nếu chỉ giảm 5-10% thì những nhà đầu tư còn có thể triển khai được dự án, chứ giảm 24% thì là một sự khác biệt quá lớn”, TS Bình nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh các chính sách phát triển năng lượng nên khuyến khích tư nhân đầu tư thay vì làm khó và cần có tính lâu dài, bền vững. “Tôi cho rằng những người đưa ra chính sách này không nghĩ đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng mặt trời”, ông Bình nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả