Giá điện điều chỉnh 2 tháng một lần liệu có khả thi?
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng/lần, xuống 2 tháng/lần. Đặc biệt, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên (thay vì từ 3% như hiện nay), Tập đoàn điện lực VN (EVN) có quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện.
Theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận nhằm bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, quy định mới phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Bộ này cũng cho rằng việc xây dựng Dự thảo nghị định mới, xác định lợi nhuận các khâu nhằm đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 tới.
Về quy định điều chỉnh giá điện 2 tháng một lần, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP. HCM, đề nghị nên có cách điều hành về giá điện mang tính ổn định hơn là thay đổi liên tục như vậy. Vì doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành tiêu thụ lượng điện năng lớn như cơ khí, luôn chú trọng tính toán chi phí sản xuất ngay từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác. Giá điện là một trong những khoản chi lớn của ngành cơ khí, công nghệ..., việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tính toán, dự trù.
"Quy định điều chỉnh giá điện mới rút từ 6 tháng xuống 3 tháng vào giữa năm qua, chưa rõ hiệu quả thế nào nay lại rút ngắn tiếp thời gian xuống 2 tháng với lý giải "tránh giật cục". Song tôi thấy việc điều chỉnh giá liên tục mới là "giật cục" và khiến doanh nghiệp quay vòng vòng trong mớ tính toán chi phí liên tục...", ông Tống nói với báo Thanh Niên.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng sau khi đã có luật Điện lực, có cơ chế mua bán điện trực tiếp, rồi thí điểm tính giá điện 2 thành phần… mà vẫn điều hành giá điện 2 tháng một lần là "hơi lạ".
"Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thị trường điện có sự cạnh tranh lành mạnh. Thế nên, vấn đề không phải bao lâu điều chỉnh giá điện mà phải bảo đảm yếu tố minh bạch. Giá sản xuất điện hiện vẫn chưa được công khai rõ ràng; chính sách điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần chưa thấy đánh giá về tính hiệu quả và mới được áp dụng chưa bao lâu, nay lại thay đổi nữa là điều khó hiểu. Chưa kể, giá điện thay đổi một năm đến 6 lần sẽ rất khó cho doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn", TS Nguyễn Quốc Việt nói với báo Thanh Niên.
Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Quốc Việt, quy định liên quan về điều hành giá điện có vẻ chưa tương thích với chính sách đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải và mục tiêu có thị trường mua bán điện cạnh tranh. Bởi nguyên tắc điều chỉnh giá cần gắn với cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra là bán điện.
Trong khi đó, khâu truyền tải đang độc quyền, tức là không thể xác định chi phí khâu này theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, giá năng lượng tái tạo mua vào theo khung giờ, giá bán ra cũng theo khung giờ và theo mức tiêu thụ…
"Thế nên, thay vì thay đổi rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện nên chăng xây dựng giá điện 2 thành phần, có phần trả cố định về công suất tiêu thụ, phần trả theo mức điện năng tiêu thụ?", chuyên gia này gợi ý.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường nhưng hiện quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện. Đến nay lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, sợ rằng khó khả thi.
"Theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Hội đồng năng lượng này cũng hoạt động giống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 tháng họp một lần và có thể được quyết định điều chỉnh giá theo quy định", chuyên gia Đào Nhật Đình nói.
Đồng tình với chuyên gia Đào Nhật Đình, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ là quy định mang tính pháp lý cao nhất liên quan điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Thế nhưng, Quyết định này đã không được thực thi một cách đúng đắn. Hiện thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cho đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ lại thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được không:
"Với quyết định 6 tháng/ lần không thực hiện mà bây giờ lại đưa ra một phương án mới là 2 tháng điều chỉnh một lần thì tính khả thi có hay không? Mà khi tính khả thi không có thì luật pháp của Nhà nước đưa ra thì có hiệu lực hay không? Điều chỉnh 2 tháng thì chúng ta phải xem xét đối với ngành điện thì liệu 3 tháng có khả năng tính toán giá thành hay không? Vì nó là ngành hạch toán toàn ngành, cái tính toán chi phí tương đối phức tạp".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường