'Giá điện có thể tăng 30% nếu muốn phát thải ròng về 0 năm 2050'
Để đạt cam kết tại COP 26, Viện Năng lượng tính toán phải tăng 30% đầu tư cho nguồn, lưới điện và giá điện cũng tăng mức tương ứng.
"Tức là người dân sẽ phải trả tăng thêm khi các nguồn điện năng lượng tái tạo vào nhiều hơn", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Hệ thống điện (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) nói tại Diễn đàn phát triển Năng lượng sạch lần hai, ngày 7/4.
Theo ông, để hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050, lượng phát thải giảm còn 148 triệu tấn CO2, nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió sẽ đóng góp chính cho hệ thống điện Việt Nam tới năm 2045.
Tính toán của Viện Năng lượng ở bản cập nhật lần 6 Quy hoạch điện VIII sắp trình Chính phủ cho thấy, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo cũng phải tăng dần từ 25% vào năm 2020, lên 32% vào 2030 và đạt 58% vào 2045.
Điều này đồng nghĩa sẽ phải xây mới nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, và sẽ không thể xây thêm các nhà máy điện than mới (trừ dự án đã, đang đầu tư xây dựng), điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Những yếu tố này sẽ tác động tới nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện để đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 vào 2050.
Ở kịch bản thông thường, giai đoạn 2021-2045 Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư vào nguồn, lưới điện. Để đạt được "net zero", ông tính toán số tiền này sẽ tăng lên khoảng 532 tỷ USD, tức 21 tỷ USD mỗi năm.
"Vốn đầu tư mỗi năm cho phát triển điện lực của Việt Nam sẽ tăng thêm 5-6 tỷ USD. Tương ứng với mục tiêu trung hoà carbon thì giá điện cũng phải tăng, khoảng 30%", ông Cường nhận xét.
Cơ chế giá điện, theo ông Hoàng Trọng Hiếu, thành viên Ban chỉ đạo phát triển điện lực, cũng là thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Hiếu phân tích, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) hiện cao hơn so với nguồn điện từ năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn...). Số các dự án điện gió, mặt trời đã vận hành thương mại đều đang được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, lần lượt 8,5 cent và 7,09 cent một kWh.
Hiện, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hoà chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hoá đơn tiền điện. Vì thế, ông Hiếu cho hay, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì phần bù giá cũng sẽ tăng, ảnh hưởng lớn tới chi phí giá thành ngành điện.
Một điểm nữa khi phát triển năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Mạnh Cường lưu ý, loại điện năng này có nhược điểm không phải lúc nào cũng có thể huy động do phụ thuộc thời tiết, nên cứ xây một 1 MW điện mặt trời, phải có tương ứng 1 MW pin lưu trữ điện, dự phòng khi nguồn điện này không khả dụng.
Chưa kể, số giờ vận hành của điện năng lượng tái tạo thấp hơn đáng kể các nguồn điện sơ cấp truyền thống. Như điện than, số giờ vận hành 6.000 giờ một năm thì điện gió chỉ bằng một nửa (3.000 giờ mỗi năm).
"Tức là, nếu bỏ 1.000 MW điện than thì hệ thống phải có thêm 2.000 MW điện gió hoặc 4.000 MW điện mặt trời, mới bù được công suất thiếu hụt", ông Cường giải thích.
Ngoài ra, khu vực tiềm năng các loại hình năng lượng này lại tập trung ở miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Theo tính toán của Viện Năng lượng, nguồn điện gió xây dựng ở miền Nam hiệu quả hơn miền Bắc khi có thể đạt công suất đỉnh tới 4.200 giờ một năm, còn tại khu vực miền Bắc chỉ đạt 3.000 giờ một năm.
Vì thế, sẽ phải tăng đầu tư đường dây truyền tải điện để đưa điện từ miền Nam, miền Trung ra Bắc, ước tính công suất truyền tải từ miền Trung ra phía Bắc có thể đạt 5.000 MW vào năm 2035 và tăng gấp đôi, 10.000 MW, vào 2040.
Nhưng việc huy động vốn cho các dự án năng lượng hiện không dễ dàng, khi Chính phủ hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án hạ tầng năng lượng. Các tổ chức, ngân hàng quốc tế hạn chế cho vay với các dự án điện than... Ở trong nước, hầu hết ngân hàng đã vượt hạn mức tín dụng với chủ đầu tư và các đơn vị phát triển dự án năng lượng.
Do đó, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc huy động nguồn lực trong, ngoài nước đầu tư vào hạ tầng nguồn, lưới điện là cần thiết. Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào truyền tải điện sẽ giảm bớt áp lực đầu tư cho Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận