Giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua
Giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và mở cửa nền kinh tế.
Theo Dow Jones Market Data, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 2/2023 tăng 1,47 USD, hay 1,9%, lên chốt phiên 13/1 ở mức 79,86 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York và tăng 8,3% trong cả tuần.
Giá dầu Brent giao tháng 3/2023 tăng 1,25 USD, hay 1,5%, lên 85,28 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe khi chốt phiên 13/1 và tăng 8,5% trong cả tuần.
Cả hai loại dầu đều chốt phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 30/12.
Giá dầu tăng khoảng 1 USD/thùng phiên 12/1 nhờ số liệu cho thấy giá tiêu dùng bất ngờ giảm trong tháng 12/2022 và tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy lạm phát hiện đang duy trì xu hướng đi xuống. Nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đang mở cửa kinh tế trở lại sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện các hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19, thúc đẩy hy vọng nhu cầu dầu tăng cao hơn. Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 1,3 USD/thùng (1,7%) lên 84,03 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 98 xu Mỹ (1,3%) lên 78,39 USD/thùng.
Giá dầu phiên 11/1 tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong một tuần, nhờ niềm tin vào triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện. Cùng với đó, lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với sản lượng dầu thô của Nga cũng lấn át áp lực từ sự gia tăng bất ngờ trong lượng dự trữ dầu thô của Mỹ. Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,57 USD (tương đương 3,2%) lên 82,67 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,29 USD (3,1%) lên mức 77,41 USD/thùng.
Trong phiên 10/1, giá dầu tăng nhẹ khi Chính phủ Mỹ dự báo mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu cao đạt kỷ lục vào năm tới và đồng USD dao động ở mức thấp nhất trong bảy tháng. Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu dự kiến sẽ đạt 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, nhờ tốc độ tăng trưởng tiêu thụ tại các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 45 xu Mỹ (0,6%) lên 80,10 USD/thùng, còn dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 49 xu Mỹ (0,6%) lên 75,12 USD/thùng.
Giá dầu tăng hơn 1% vào phiên 9/1, sau khi việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại thúc đẩy triển vọng nhu cầu nhiên liệu và làm lu mờ những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,08 USD/thùng (tương đương 1,4%) lên 79,65 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 86 xu Mỹ (1,2%) lên 74,63 USD/thùng.
Theo Chủ tịch Strategic Energy & Economic Research, Michael Lynch, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế là động lực chính của giá dầu trong tuần qua, trong khi số liệu lạm phát khả quan hơn cũng làm gia tăng sự lạc quan về kinh tế Mỹ hoặc hạ cánh mềm hoặc suy thoái nhẹ. Việc đồng USD xuống giá cũng có thể là yếu tố góp phần đưa giá dầu tăng.
Nhà phân tích Phil Flynn tại The Price Futures Group cho rằng khối lượng giao dịch tăng trước triển vọng nhu cầu của Trung Quốc phá kỷ lục cũng như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chỉ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong tháng 2/2023.
Số liệu của Mỹ công bố ngày 12/1 cho thấy lạm phát giảm tháng thứ sáu liên tiếp, từ 7,1% xuống 6,5%, mức thấp nhất trong hơn một năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận