Giá dầu tăng mạnh, doanh nghiệp dầu khí vẫn lên kế hoạch đi lùi
Dầu khí là nhóm ngành hưởng lợi từ việc giá dầu leo thang trong những tháng đầu năm 2022. Việc giá dầu thô neo trên 100 USD/thùng đã vượt quá kỳ vọng của các doanh nghiệp dầu khí trong nước khi đặt kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, như nhiều năm trước, đa số các đơn vị trong ngành vẫn lên kế hoạch đi lùi.
Được/mất từ việc giá dầu tăng mạnh
Giá dầu thô đã tăng hơn 30% kể từ khi chiến cuộc Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022 đến nay và được dự báo sẽ khó hạ nhiệt sớm, dù phương Tây đang tìm cách gia tăng sức ép cũng như xả kho dự trữ dầu để giữ nguồn cung trong ngắn hạn.
Ngưỡng trên 100 USD/thùng, theo đánh giá của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giúp ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng. Kèm theo đó là các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước.
Theo báo cáo gần đây của SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên doanh thu, biên lợi nhuận hay lãi/lỗ hàng tồn kho của các doanh nghiệp như PV GAS (HOSE: GAS), Petrolimex (HOSE: PLX) và PV OIL (UPCoM: OIL). Giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn của các công ty dầu khí thượng nguồn (PVD và PVS) do các doanh nghiệp này chủ yếu dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn.
Mặc dù vậy, ước tính mảng giàn khoan của PVD đã quay đầu hồi phục từ quý 2/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ năm 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVDrilling (HOSE: PVD), PTSC (HOSE: PVS) trong dài hạn.
Về rủi ro trước tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine đối với ngành năng lượng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, do đó sẽ gặp phải những khó khăn trong tương lai. Nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế, một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các vấn đề khác phải đối mặt là các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng, có khả năng bị đảo lộn; áp lực lạm phát, tốc độ chuyển dịch năng lượng cũng như các rủi ro tiềm ẩn trước những biến động, thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Doanh nghiệp dầu khí đặt kế hoạch kinh doanh ra sao?
Nhóm doanh nghiệp dầu khí vốn nổi tiếng là nhóm đặt kế hoạch kinh doanh luôn thấp hơn so với kết quả đạt được trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2022 cũng không ngoại lệ.
Hưởng lợi lớn từ giá dầu tăng nhưng ông lớn GAS dự báo hoạt động kinh doanh sẽ gặp không ít khó khăn trong năm nay. GAS đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; xu thế chuyển dịch năng lượng, biến động giá các sản phẩm dầu mỏ, gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện; xuất hiện đơn vị kinh doanh cạnh tranh trực tiếp sản phẩm khí (LNG); dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao. Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung, khách hàng. Việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng kinh doanh LNG, LPG (các kho quy mô) tiếp tục gặp khó khăn do bị ràng buộc bởi nhiều quy định đối với doanh nghiệp cổ phần Nhà nước chi phối…
Do đó, GAS đặt mục tiêu kế hoạch năm 2022 với sản lượng hơn 9.1 triệu mét khối khí; tổng doanh thu hơn 80,000 tỷ đồng (đi ngang); lợi nhuận sau thuế 7,039 tỷ đồng (giảm 20%); giá trị giải ngân đầu tư xây dựng (Công ty mẹ) 4,522 tỷ đồng. GAS cũng xây dựng 2 kịch bản cho năm 2022 dựa trên nhu cầu điện toàn quốc tăng 8.2% và 12.4% so với năm 2021. Trong tháng 1/2022, Công ty ghi nhận doanh thu ước đạt 8,481 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 1,000 tỷ đồng.
Cũng ở mảng phân phối khí đốt, Gas Petrolimex (HOSE: PGC) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 đạt 3,529 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 5% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi trước thuế đi ngang, ở mức 160 tỷ đồng. Về phân phối lợi nhuận, cổ tức dự kiến chia với tỷ lệ 12%.
Sự thận trọng cũng hiện diện ở PV GAS D (HOSE: PGD). Công ty đặt kế hoạch tổng sản lượng 1,089.1 triệu mét khối, doanh thu 9,303.7 tỷ đồng, lãi sau thuế 205.1 tỷ đồng, chia cổ tức với tỷ lệ 18%. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận thu hẹp 19% so với kết quả năm trước. Đáng chú ý, kế hoạch của PGD được xây dựng trên cơ sở giá dầu chỉ 60 USD/thùng.
Sau năm kinh doanh lãi kỷ lục, Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1,400 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của BSR giảm lần lượt 10% và 79% so với năm 2021. Hiện đây là doanh nghiệp lên kế hoạch dè dặt nhất (theo tỷ lệ) ngành dầu khí.
Ở mảng vận tải, PVTrans (HOSE: PVT) dự kiến năm 2022 đem về doanh thu 6,500 tỷ đồng và lãi trước thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 43% so với năm trước. Về kế hoạch trẻ hóa đội tàu, PVT đang đầu tư 01 tàu dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20,000 DWT.
Lạc quan nhất về tỷ lệ tăng trưởng chính là PV Coating (HNX: PVB). Căn cứ các dự án đang theo dõi, tham gia chào giá đấu thầu cũng như thông tin mời thầu và kế hoạch triển khai các dự án, PVB dự kiến năm nay sẽ có lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này gấp 4.7 lần so với nền thấp trong 2021 (chưa đến 1 tỷ đồng).
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của một số doanh nghiệp ngành dầu khí
(Đvt: Tỷ đồng)
Nhìn tổng quan nhóm doanh nghiệp dầu khí, đa số các đơn vị đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 kèm với điều kiện giá dầu 80 USD/thùng - mức giá vào cuối tháng 12/2021 và cũng là dự báo bình quân năm 2022 của nhiều chuyên gia. Cá biệt, một vài doanh nghiệp còn thận trọng hơn với điều kiện giá dầu chỉ 60 USD/thùng (xấp xỉ bình quân năm 2021).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận