Giá dầu sụt mạnh vì mối lo về kinh tế Trung Quốc
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/8) do tin xấu về kinh tế Trung Quốc...
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/8), sau khi một cuộc khảo sát cho thấy tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới – giảm tốc. Nguồn cung dầu từ OPEC tăng càng gây thêm áp lực giảm lên giá “vàng đen”.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tụt 2,16 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 73,24 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 2,44 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 71,51 USD/thùng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc cho thấy hoạt động tại các nhà máy ở nước này tăng chậm nhất trong 17 tháng. Số liệu này làm dấy lên nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Trung Quốc vốn dẫn đầu sự phục hồi của kinh tế châu Á, và nếu nền kinh tế này giảm tốc sâu hơn, triển vọng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm đáng kể”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định. “Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu đang trở nên mong manh, và tình hình có lẽ sẽ không được cải thiện cho tới tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu cải thiện”.
Tăng trưởng hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc suy yếu trong tháng 7 xuất phát từ những nguyên nhân như giá vật tư tăng lên, thời tiết cực đoan và việc bảo trì trang thiết bị. Từ trước số liệu này, kinh tế Trung Quốc đã phát đi một số tín hiệu khác về sự giảm tốc.
Trong tuần trước, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới – cũng công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho thấy sự phục hồi có thể đã qua đỉnh. Trong quý 2, GDP của Mỹ tăng 6,5%, không đạt kỳ vọng tăng 8,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện cho thấy sản lượng dầu thô của các nước OPEC tăng trong tháng 7, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Sự gia tăng sản lượng này diễn ra khi OPEC tiếp tục giãn hạn ngạch khai thác dầu theo thoả thuận với các đồng minh ngoài khối.
Ngoài ra, thị trường dầu ở thời điểm này cũng đang bị phủ bóng bởi tốc độ lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu của biến chủng Delta của Covid-19.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tỷ lệ tiêm chủng tăng lên sẽ hạn chế sự cần thiết của việc lệnh phong toả nghiêm ngặt – nguyên nhân đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm trong đỉnh dịch hòi năm ngoái.
Hôm Chủ nhật, chuyên gia cấp cao nhất của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng nước này sẽ không phải phong toả trở lại để chống Covid, nhưng “mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn” vì biến chủng Delta đang khiến số ca nhiễm mới tăng mạnh, chủ yếu ở những người đi tiêm vaccine.
Tại Ấn Độ, nơi vừa trải qua một đợt “sóng thần” Covid-19 khủng khiếp và có nguy cơ xuất hiện một đợt dịch mới, nhu cầu tiêu thụ xăng hàng ngày trong tháng 7 đã vượt mức trước đại dịch, nhờ việc các bang nới lỏng hạn chế. Tuy nhiên, nhu cầu dầu vẫn ở mức thấp, một dấu hiệu cho thấy hoạt động của các nhà máy còn chưa hồi phục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận