Giá dầu giảm nhanh cùng nỗi lo lạm phát vơi bớt đã kích thích giới đầu tư gom hàng
Phố Wall tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba (15/3), nhờ giá dầu thô hạ nhiệt và dữ liệu lạm phát lõi tăng với tốc độc thấp hơn dự báo đã nâng đỡ tâm lý giới đầu tư.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, đà tăng của giá năng lượng đã khiến chỉ số giá sản xuất PPI tháng 2 tăng 0,8% so với tháng trước, thấp hơn một chút so với dự báo tăng 0,9% từ Dow Jones. Tuy nhiên, chỉ số PPI cốt lõi, không bao gồm thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, chỉ nhích 0,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo 0,6%.
Điều này khiến tâm lý thị trường vơi bớt nỗi lo về việc Fed sẽ trở nên quá diều hâu với vấn đề lãi suất, dù cuộc họp vào ngày mai dự báo cơ quan này sẽ lần đầu tiên từ năm 2018 tăng lãi suất 25 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Phiên này, 10 trên 11 phân ngành chính của S&P 500 tăng điểm, với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà đi lên, trong đó, Apple tăng gần 3% và Microsoft cùng Netflix tăng hơn 3,8% sau khi các chuyên gia phân tích trên Phố Wall vẫn xếp hạng overweight (tăng tỷ trọng) đối với các mã này.
Các cổ phiếu khác như Oracle tăng 4,5%, Nvidia tăng 7,7% và cổ phiếu Advanced Micro Devices vọt 6,9%.
Nhóm các cổ phiếu hàng không cũng được hỗ trợ sau khi một số hãng hàng lớn nâng triển vọng doanh thu, với United và American đều tăng hơn 9%, còn cổ phiếu Delta tăng 8,7%.
Trong khi đó, đà giảm của giá dầu thô khi lùi về dưới mốc 100 USD/thùng đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu năng lượng, khiến nhóm này để mất 3,7% với cổ phiếu Chevron và Exxon đều mất 5%.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,3% xuống 435,03 điểm, sau khi tăng trong hai phiên gần đây nhờ hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.
Phiên này, cổ phiếu các công ty khai thác giảm 2,1% và dầu khí giảm 0,1%, do giá dầu thô bốc hơi hơn 7% và giá kim loại đi xuống, do lo ngại về nhu cầu từ người tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ suy yếu do tình trạng dịch Covid-19 lây lan nhanh.
Nick Nelson, Chiến lược gia cổ phiếu châu Âu tại UBS cho biết: “Các lĩnh vực tiếp xúc với Trung Quốc như vật liệu cơ bản, khai thác mỏ và kim loại, xây dựng nhà ở và hàng xa xỉ bị bán mạnh một phần do các lệnh phong tỏa được áp dụng ở một số vùng của Trung Quốc”.
Các nhà sản xuất hàng xa xỉ của Pháp như LVMH, vốn phần lớn doanh thu đến từ Trung Quốc, đã giảm 1,5%, trở thành lực cản lớn nhất đối với STOXX 600.
Tâm lý thị trường nhìn chung cũng không được tốt, khi một cuộc khảo sát cho thấy tâm lý nhà đầu tư Đức đã bị sụt giảm kỷ lục trong tháng 3 do xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga gây tác động. Những điều có thể khiến suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu "ngày càng có khả năng xảy ra".
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, được củng cố bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc, mặc dù sự thận trọng trước đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed đã hạn chế đà đi lên.
Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo, giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng, khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng đe dọa triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục lao dốc do đà giảm không phanh của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tuần, khi các nhà đầu tư lo lắng về việc tăng lãi suất của Mỹ và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn do đại dịch gây ra ở Trung Quốc.
Giá vàng thế giới ngày thứ Ba ghi nhận thêm một phiên bị bán tháo mạnh, do sức hấp dẫn từ nhu cầu trú ẩn suy yếu nhanh, khi thị trường hiện đã ít lo ngại hơn về tình hình ở Ukraine.
Giá dầu thô lao dốc do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, bồi thêm cú đánh vào giá dầu là việc Trung Quốc phong tỏa thêm nhiều thành phố để ngăn đà lây lan nhanh của Covid-19, đe dọa sức cầu suy giảm của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận