Giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức "nóng" từng ngày, có nơi bán 20 triệu/m2
Giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức thời gian gần đây liên tục tăng chóng mặt, nhiều sàn giao dịch rao đất nông nghiệp lên tới 20 triệu đồng/m2.
Giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức tăng lên 20 triệu/m2
Nằm giữa vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Thủ Đức là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai, nơi đây sẽ quyết định vị thế của TP.HCM với các khu vực liên kết, tạo lực đẩy để TP.HCM phát triển mạnh mẽ.
Từ khi chính thức thành lập thành phố Thủ Đức, giá bất động sản tại đây tăng lên chóng mặt. Giá đất nền thành phố Thủ Đức ở các trục đường chính như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (quận 9) cũng có bước nhảy vọt, những khu vực còn lại cũng tăng lên mức 30-60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15-20% so với đầu năm 2019.
Vào khoảng tháng 6/2020, giá đất ở khu vực Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) nằm mức khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến tháng 12/2020, đã có nhiều lô đất được treo bảng rao bán từ 90-100 triệu đồng/m2.
Không chỉ giá đất nền, đất thương mại dịch vụ mà giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức cũng tăng nóng không kém. Nếu giá đất nông nghiệp ở vùng ven TP.HCM có giá khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/m2, thì tại thành phố Thủ Đức, giá đất nông nghiệp cao ngất ngưởng.
Theo khảo sát của Dân Việt trên một số sàn giao dịch bất động sản, giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức hiện dao động từ 5 - 20 triệu đồng/m2.
Cụ thể, trên trang alonhadat, mảnh đất trồng cây lâu năm nằm trên hẻm đường 1, phường Trường Thọ (Thủ Đức) có diện tích 2458m2. Mảnh đất nông nghiệp này được quảng cáo là có sổ hồng chính chủ, vị trí cách Đường 11 khoảng 150m và cách vành đai 250m. Hiện trạng đất 2 mặt tiền trước sau đường vào đất 5m, xe tải ra vào thoải mái, rất thuận tiện làm xưởng, đầu tư lâu dài. Giá bán được rao với 20 triệu đồng/m2 và có thể thương lượng.
Giá mềm hơn một chút, cũng trên trang này, mảnh đất nông nghiệp có diện tích 8.400 m2 tại đường Tam Bình, phường Tam Phú (TP. Thủ Đức) được rao với giá 90 tỷ, tương đương với hơn 10,7 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là có sổ hồng, nằm liền kề đại lộ Phạm Văn Đồng và đường Vành đai 2.
Hay trên trang 123nhadatviet, một mảnh đất vừa là đất thổ cư vừa là đất nông nghiệp có diện tích 7.425 m2 (trong đó đất trồng cây lâu năm là 2.060m2) ở phường Linh Đông được rao với giá 25 tỷ, tương đương gần 34 triệu đồng/m2.
Một mảnh đất trồng cây lâu năm nằm trên đường Ụ Ghe, phường Tam Phú có diện tích 4200 m2. Giá đất nông nghiệp tại đây được rao với giá 5 triệu/m2. Đất này thuộc quy hoạch cây xanh và đã có sổ đỏ. Với giá này, mặc dù mềm hơn so với giá TP Thủ Đức nhưng cũng cao gấp 2, 3 lần so với các nơi khác.
Giá đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức bị "thổi" quá cao so với giá trị thật?
Mặc dù mức giá rao bán liên tục được đẩy lên cao, nhiều môi giới và nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm đều khẳng định giá bất động sản, trong đó có đất nông nghiệp thành phố Thủ Đức đang bị "thổi" lên quá cao so với giá trị thật.
Được biết, trước khi có thông tin chính thức thành lập thành phố Thủ Đức tại một số khu vực tại quận 2, giá đất ở khoảng 65-67 triệu đồng/m2 nhưng đến 12 đã có những lô đất được rao đến 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 38 - 40%%.
Hay như một lô đất 80m2 trong hẻm ở quận 9, vào khoảng tháng 9 được rao với giá 5 tỷ nhưng đến nay vị chủ nhà đã nâng giá lô đất lên 5,5 tỷ đồng, bất chấp 3 tháng trước chỉ có một số ít khách đến xem và không mua do mức giá quá cao.
Đại diện một công ty bất động sản chuyên về thị trường đất nền 3 quận khu Đông cho biết trong một năm qua, không ít chủ đất đã đã "ảo tưởng" về giá trị của bất động bản sản mình sở hữu mà đưa ra những mức giá trên trời, trong khi thực tế các lô đất có giá trị thấp hơn nhiều do các yếu tố như vị trí, dịch Covid-19...
Một số chuyên gia cũng cho rằng khi phát triển thành phố Thủ Đức, cần rút ra các bài học từ các khu đô thị phía Nam đã từng. Đơn cử như khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng từng được kỳ vọng sẽ hiện đại như phố Đông Thượng Hải (Trung Quốc),t uy nhiên, sau khi triển khai đã bị can thiệp tùy tiện điều chỉnh dành đất cho các dự án bất động tư nhân. Kết quả là dự án trì trệ, khiếu nại kéo dài, đến nay vẫn không dứt.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng chính quyền TP. HCM cần có giải pháp để tạo cơ hội cho những người dân sống lâu năm tại các quận trên phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ bán lúa non. Đồng thời, phải tạo ra cơ hội như có quỹ đất lớn để đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển các dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của TP mới.
Đặc biệt, cần minh bạch các thông tin quy hoạch để mọi người dân nắm càng nhanh càng tốt, hạn chế việc đầu cơ, gây sốt ảo trên thị trường bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận