Giá cổ phiếu ngân hàng tăng trung bình 60% trong năm 2021
Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS) cho biết lợi nhuận cổ phiếu ngân hàng năm 2021 tăng trung bình 60%. Năm 2022, kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng trung bình từ 20-30% dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022.
Năm 2021, chỉ số VN-Index tăng gần 40% từ mốc 1.100 lên trên 1.525 điểm. Riêng cổ phiếu ngân hàng bứt phá tốt hơn với mức tăng trung bình của ngành lên đến 66%. NVB là cổ phiếu nổi bật nhất với mức tăng trưởng hơn 200% từ mức giá 10.000 lên trên 33.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm.
Các cổ phiếu ngân hàng khác như SSB, TPB, VIB, MSB, LPB có mức tăng giá gấp đôi vào cuối năm. Có nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá trên 50% như OCB, ACB, MBB, VPB, HDB.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước như BID, CTG, VCB đều có mức tăng khá khiêm tốn trong đó BID gần như đứng giá cả năm và chỉ tăng tốc vào những ngày đầu năm 2022.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đạt 15%, tăng nhẹ so với 2020, huy động vốn từ tiền gửi khách hàng chậm lại, tỷ lệ Casa (tiền gửi không kỳ hạn) ngân hàng đạt mức trung bình 17%, tỷ lệ Nim (biên lãi ròng) đạt trên 3% nhờ chi phí vốn giảm sâu, gia tăng trích lập dự phòng, tăng vốn điều lệ… là một số nét nổi bật trên bức tranh ngành ngân hàng năm 2021.
Trong báo cáo phân tích của VIS cho rằng, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục sẽ là nhóm ngành chủ đạo quan trọng của thị trường dù mức độ tăng trưởng về giá có thể chậm hơn so với năm 2021.
Lợi nhuận nhóm ngân hàng năm 2022 dự báo tiếp tục khả quan nhờ nhu cầu vốn tăng mạnh trở lại và đến một phần từ các khoản trích lập dự phòng lớn từ năm 2021 trở về trước.
Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%.
Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng. Vietcombank có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Cùng với đó là kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 54.134 tỷ đồng trong thời gian tới thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
OCB sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2021 thông qua. OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài.
Các ngân hàng ACB, MB, VIB, OCB có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 20% để tăng vốn điều lệ trong năm 2022. MBB dự kiến tăng vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng trong năm 2022. MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ.
VIS nhận định, thường thường sau khi tăng vốn, các ngân hàng sẽ đi ngang và suy yếu trong khoảng thời gian 2 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn với PE trung bình 16 và P/Bv 2.1. Các nhóm cổ phiếu VCB, BID, CTG, MBB, OCB, TCB, VPB, LPB, STB, HDB, VIB dự báo sẽ là những ngân hàng nổi bật nhất trong ngành. Trong đó, sự kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trung bình từ 20% - 30% dựa vào dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận