24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá cà phê rớt xuống mức "hết đỡ nổi"

Thị trường kỳ hạn cà phê London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu - rớt xuống mức sâu nhất tính từ hơn 9 năm rưỡi nay. Tuy còn cả tháng nữa mới vào mùa thu hoạch chính nhưng người kinh doanh và nhà vườn cà phê không khỏi hoang mang.

Giá kỳ hạn xuống vực thẳm

Chưa đầy nửa tháng kể từ ngày bắt đầu niên vụ cà phê mới 2019/2020, giá kỳ hạn cà phê robusta cứ "cắm đầu xuống". Tuy chưa đến kỳ thu hoạch chính nhưng nhiều nhà vườn tỏ ra âu sầu.

"Giá thế giới kiểu này, tôi sợ vào mùa còn xuống nữa quá", ông Bạch, người có 2 mẫu cà phê tại xã Êa Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lắk nói với đầy lo buồn trên khuôn mặt.

Trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London phiên cuối tuần 11-10-2019, giá chạy thục mạng xuống mức sâu nhất tính từ 9 năm rưỡi nay, chạm 1.211 đô la Mỹ/tấn để chốt đóng cửa tại 1.242 đô la/tấn. Nếu so với đúng cách nay 1 năm tức ngày thứ sáu, 12-10-2018, giá đóng cửa ở 1.792 đô la/tấn và có đỉnh 1.795 đô la/tấn. Như vậy, sau 1 năm, giá sàn robusta tính từ đỉnh đến đáy giảm 584 đô la/tấn và đóng cửa mất 550 đô la/tấn (xem đồ thị).

Điều đáng nói là lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam niên vụ 2017/2018 đạt đến trên 1,8 triệu tấn, trong khi niên vụ 2018/2019 chỉ đạt xấp xỉ 1,7 triệu tấn. Xuất khẩu cà phê các tháng gần nhất đều giảm mạnh, riêng tháng 9-2019 chỉ đạt 92.347 tấn giảm 19,1% so với tháng 8-2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam chỉ đạt 1,27 triệu tấn giảm 12,5% so với cùng kỳ 2018 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu giảm đến 21% đạt 2,17 tỉ đô la. Như vậy, đâu phải xuất khẩu giảm mà giá tăng?

Giải mã vì sao cà phê rớt giá

Trước tiên, phải khẳng định rằng nhiều nước sản xuất cà phê được mùa. Đặc biệt, sau mấy năm giá cao, các nước sản xuất arabica như Brazil, Colombia, Honduras… đã nhanh chóng thực hiện tái canh. Đến nay hầu hết đã hoàn thành chương trình này. Hàng arabica ra ào ạt với giá bán rất rẻ trên thị trường.

Nếu như trước đây, giá chênh lệch giữa 2 sàn cà phê arabica với robusta thường trên 1.300 đô la/tấn, thì từ đầu năm 2018, mức này chỉ chạy quanh 880 đô la/tấn và ngay thời điểm này chỉ còn 800 đô la/tấn.

Nhưng đó là giá chênh lệch trên 2 sàn. Mức cách biệt này càng thấp hơn tại Brazil, nước vừa sản xuất arabica và robusta. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), mức cách biệt giữa arabica và robusta trong nội địa Brazil vào tháng 4-2019 chỉ chừng 420 đô la và 2 tháng cuối vụ cũ 2018/2019 là 584 đô la/tấn.

Với mức chênh lệch thấp thế này, nông dân Brazil chọn xuất khẩu robusta có lợi hơn. Nhưng do arabica được mùa lớn, các nước sản xuất cà phê loại này đua nhau bán mà hàng vẫn chưa thể cạn.

Trong 11 tháng đầu niên vụ 2018/2019, lượng xuất khẩu arabica chế biến khô Brazil tăng 25,4% (2,15 triệu tấn); arabica chế biến ướt Colombia tăng 8,6% (0,833 triệu tấn).

Dù đã xuất khẩu miệt mài như thế, ICO còn cho biết tồn kho cà phê đầu kỳ niên vụ 2019/2020 của thế giới chừng 0,42 triệu tấn.

Vấn đề trong kinh doanh cà phê Việt Nam

Thực ra, giá cà phê xuống thấp trong vài ngày qua không phải chỉ do thế giới được mùa cà phê mà thôi. Cách mua bán cà phê của nhiều nhà kinh doanh trong nước cũng góp phần làm cho giá sàn cà phê London suy sụp.

Do tuyệt đại bộ phận nhà kinh doanh cà phê trong nước đều bán cà phê theo kiểu giao hàng trước, rồi đợi cơ hội giá kỳ hạn tăng cao mới chốt giá bán. Đó không khác gì trữ hàng để đầu cơ giá lên.

Khi giá chưa đạt mong đợi, lại kiếm cách nhồi thêm khối lượng bán cùng kiểu. Mỗi hợp đồng "bán treo" được thanh toán 70% giá trị thị trường tại thời điểm giao hàng.

Trong khi đó, để tránh rủi ro khi giá xuống sâu, người mua phải treo bán trên sàn ở mức giá người bán đã nhận tạm ứng (70% giá trị hợp đồng). Với mức chỉ bằng 70% giá trị, đó là món mồi hấp dẫn cho những nhà đầu cơ tài chính trên sàn chờ giá thấp để bắt mồi.

Họ chỉ cần kích xuống vài ba bận, giá kỳ hạn chạm mức "ưng ý" của người đi săn, và cắp mồi đi… Người giao hàng treo vào kho bấy giờ phải bán "tự động" vì giá trên sàn đã chạm mức bên bán nhận tiền.

Theo cách này, người kinh doanh cà phê thường gọi là bắt "chặn lỗ". Như thế cà phê chỉ được trả với giá thấp nhất và phần thua lỗ hoàn toàn nằm bên phía người bán.

Ngày 12-10, giá cà phê xuất khẩu chừng 31,5 triệu đồng/tấn (tương đương giá đóng cửa 1.242+120 đô la). Nhưng các hợp đồng "đầu cơ giá lên" chỉ bán được 26,7 triệu đồng/tấn (giá "bị bắt" 1.220-70 đô la) chưa cộng lãi suất ngân hàng và chi phí phát sinh do "ngậm vốn".

Trường hợp bị "bắt chặn lỗ" theo kiểu bán này hầu như lặp đi lặp lại thường xuyên. Nên đấy không phải là "vấn đề" của riêng từng năm kinh doanh mà trở thành "nan đề" của người sản xuất và kinh doanh cà phê trong nước từ khi Việt Nam tham gia mua bán cà phê trên thị trường thế giới.

Dù tình trạng thua lỗ do cách mua bán trên năm nào cũng xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đến nay vẫn chưa có lời giải.

Nên chăng, các doanh nghiệp và ngành cà phê cần nghiên cứu và tổ chức các buổi hội thảo để tìm hướng khắc phục và hạn chế rủi ro, mở rộng phương thức mua bán an toàn bền vững hơn. Vì chưng thiệt hại và thua lỗ của doanh nghiệp trong kinh doanh, chính là nguyên nhân làm cho nông dân không thể an tâm sản xuất, chứ chưa dám nói đến sản xuất bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả