Giá BĐS kho lạnh tăng 'nóng' theo đại dịch COVID-19
Không giống như các phân khúc bất động sản (BĐS) khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19, giá cho thuê của thị trường kho lạnh liên tục tăng vọt trong 2 năm qua.
Giá cho thuê tăng vọt
Theo báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng lạnh của Savills thì sự bùng nổ của thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch COVID -19 đang thúc đẩy nhu cầu thuê kho lạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, do phân khúc này khá kén chọn khách hàng nên nguồn cung khá ít vì thế hiện tại không đáp ứng kịp nguồn cầu nên dẫn đến hiện tượng giá BĐS cho thuê kho lạnh tăng vọt.
Cụ thể, tại khu vực phía Nam, giá cho thuê kho lạnh từ 52 USD (1,18 triệu đồng)/tấn vào quý I/2020 đã tăng lên 87 USD (gần 2 triệu đồng)/tấn khi bước sang đầu quý IV/2021, tức là tăng gần gấp đôi trong vòng 24 tháng.
Tại Hà Nội, giá cho thuê kho bãi, nhà xưởng khu phía Tây Hà Nội, Nam Hà Nội tăng gần 30% kể từ đầu năm 2020 đến nay; các khu vực gần trung tâm thành phố thì giá cho thuê tăng từ 40 – 50%.
Cụ thể, nếu hồi đầu năm 2020, giá thuê kho bãi khu vực Mỹ Đình dao động khoảng 70.000 - 90.000 đồng/m2/tháng thì đến nay tăng lên khoảng 90.000 - 120.000 đồng/m2/tháng. Một số khu vực như Phú Diễn, Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) giá cho thuê từ 40.000 - 70.000 đồng/m2/tháng tăng lên 50.000 - 80.000 đồng/m2/tháng trong vòng gần 2 năm.
“Giá kho bãi cho thuê ở khu vực đại lộ Thăng Long, An Khánh, La Phù của Hoài Đức cách đây 2 năm rơi vào khoảng 40 – 60.000 đồng/m2/ tháng nhưng đến hiện tại là khoảng 50.000 – 90.000 đồng/m2/tháng, tùy điều kiện kho, bãi”, anh T, một môi giới kiêm chủ cho thuê kho xưởng tại La Phù cho biết.
Cung không đủ cầu
Theo các chuyên gia, BĐS công nghiệp và hậu cần kho bãi (logistics) luôn được coi là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, phân khúc kho lạnh lại khá kén chọn khách hàng, và cũng vì thế mà xảy ra hiện tượng nguồn cung tương đối khan hiếm tại hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, kể từ khi đại dịch COVID -19 xuất hiện và lây lan trên diện rộng khiến nước ta phải thực hiện các đợt giãn cách kéo dài, thói quen mua sắm của người dân thay đổi vì hạn chế tụ tập đông người nên dần chuyển sang mua sắm trực tuyến, đi chợ online làm nguồn cầu về kho lạnh tăng đột biến.
Do đó, thị trường BĐS kho lạnh tại Việt Nam đang đi theo hướng cung không đáp ứng kịp nhu cầu. Bên cạnh đó, hiện tại nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực các tỉnh phía Nam, được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, trong đó khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo, JLL nguyên nhân khiến nguồn cung kho lạnh tại Việt Nam bị hạn chế một phần do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn các loại hình BĐS hậu cần khác. Việc xây dựng các kho bảo quản lạnh sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn. Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài 15-20 năm cũng khiến nguồn cung càng khan hiếm hơn.
Nhiều chuyên gia và JLL dự báo nhu cầu kho lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ít nhất nửa thập niên tới do người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi hành vi mua sắm kể từ biến động lịch sử đại dịch. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư vào thị trường BĐS ngách là kho lạnh trong tương lai.
Savills và nhiều đơn vị nhận định thị trường kho lạnh Việt Nam được dự kiến trị giá 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% mỗi năm. Tuy nhiên hiện tại, mặc dù lực cầu lớn nhưng nguồn cung của kho lạnh nước ta lại đang thiếu hụt vì chỉ có 48 cơ sở, với khoảng 600.000 kệ; vận tải lạnh chỉ ghi nhận hơn 700 xe tải và xe tải thùng đông lạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận