Giá bất động sản sốt nóng, người thuê nhà “méo mặt” vì chi phí tăng
Mặc dù nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa do dịch bệnh, xuất hiện la liệt bảng cho thuê mặt bằng trên địa bàn Hà Nội, song hiện nay mức chi phí cho thuê bất động sản không giảm như kỳ vọng của nhiều người, thậm chí còn tăng mạnh.
“Ngã ngửa” khi tìm kiếm mặt bằng
Dự định kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, chị Nguyễn Thị Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) đang tìm kiếm mặt bằng cho thuê để kịp khai trương vào đầu năm 2022. Chị Thư cho biết, chị ưng một căn shophouse trên phố Lê Văn Lương, tuy nhiên mức giá cho thuê lại gần 95 triệu đồng/tháng.
“Nếu mở cửa hàng, tính thời gian xây dựng thương hiệu và có được lượng khách ổn định sẽ khá mất thời gian. Chưa kể dù có đông khách, không phải đóng cửa vì dịch thì số tiền lãi cũng khó để đủ tiền thuê nhà, các khoản phí khác, vì vậy tôi phải cân nhắc rất kỹ” - chị Thư chia sẻ.
Anh Võ Quang Duy (SN 1978, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, cũng đang tìm kiếm mặt bằng để kinh doanh mặt hàng lưu niệm. Trước đó, anh Duy cũng có một cửa hàng nhỏ, nằm ở trong ngõ thuộc quận Đống Đa. Tuy nhiên gần đây, chủ nhà lại muốn tăng giá vào đầu năm tới nên anh quyết định tìm kiếm một địa điểm mới.
“Giá bất động sản đang tăng mạnh nên chủ nhà lý giải, giá trị của căn nhà thời điểm này đang rất cao đồng nghĩa với việc chi phí thuê sẽ tăng. Nếu tôi không đáp ứng được mức phí đó thì buộc phải chuyển đi để họ cho người khác thuê. Mà thực tế thì lợi nhuận giảm mà phải chi trả nhiều thì tôi cũng phải tính toán lại” - anh Duy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây, những người kinh doanh, buôn bán trên địa bàn Hà Nội không chỉ chật vật bởi tình hình dịch bệnh căng thẳng mà họ còn phải đối diện với mức chi phí cho thuê mặt bằng tăng liên tục.
Trên thực tế, dù có hàng loạt cửa hàng treo bảng cho thuê mặt bằng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chi phí cho thuê sẽ giảm. Nhiều nơi vẫn giữ nguyên giá, thậm chí tăng mạnh.
Giá bán cao, đẩy giá thuê cao
Đăng tải thông tin cho thuê mặt bằng trên phố Trần Hưng Đạo, thuộc quận Hoàn Kiếm, anh Mạnh Hùng cho hay, ngôi nhà thuộc vị trí sầm uất, rất tốt cho hoạt động kinh doanh, mặt tiền rộng 10m2. Mức giá anh Hùng muốn thỏa thuận là 120 triệu đồng/tháng.
Lý giải về mức chi phí được nhiều người cho là khá cao trong mùa dịch, anh Hùng chia sẻ: “Đây là mức giá tốt rồi, mà diện tích tôi cho thuê cũng gần 300m2. Bạn có thể tham khảo giá bất động sản hiện nay, tôi mua căn này giá còn cao gấp nhiều lần”.
Thực tế, mua bất động sản giá cao dẫn đến chi phí cho thuê đắt đỏ là điều dễ hiểu. Vấn đề này cũng được PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia Kinh tế tài chính - đồng tình. Việc giá bất động sản liên tục “sốt nóng”, tăng cao “chóng mặt” lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về phân khúc shophouse, ông Thịnh nói rằng, tại Hà Nội, nhiều mức giá bán rất cao, lên tới vài trăm triệu đồng/m2 trong khi khu vực đó còn thưa thớt. “Bán rất khó khăn, cho thuê cũng khó nhưng lạ ở chỗ vẫn cứ đòi tăng giá” - ông Thịnh nói.
Điều đáng lo ngại là gần đây thị trường bất động sản lại “nóng” với những mức giá gây choáng. Riêng tại Hà Nội, một dự án bán 300 triệu đồng/m2 shophouse cũng lập kỷ lục về giá. Đây là lần đầu tiên khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá cao hơn dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2, vành đai 3.
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp có quyền trả giá, mua bán đấu giá trên cơ sở tính toán mức đầu tư lợi nhuận. Nhưng nếu không đúng thực chất có thể tạo ra mặt bằng giá cho các dự án của họ ở xung quanh, gây hệ lụy về giá. Việc tăng giá bất động sản bất hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận