Gen Z “vung tiền” thời bão giá?
Thế hệ “ta chỉ sống một lần trên đời” liệu có phải cắt giảm chi tiêu trong dịp Tết Giáp Thìn, khi nền kinh tế vẫn đang khó khăn và chi phí sống đắt đỏ?
2023 được xem là năm kinh tế khó khăn, thể hiện rõ qua con số doanh nghiệp giải thể tăng nhanh chóng, dẫn đến số lao động bị thất nghiệp tăng theo. Trong khi đó, lạm phát gia tăng, kéo theo giá cả hàng hóa tiếp tục tăng. Chi phí sinh hoạt hầu hết đều đắt hơn so với các năm trước.
Điều này khiến đa số những người lao động nhận lương hàng tháng hay phần đông người lao động phải đắn đo khi chi tiêu hàng ngày. Đặc biệt hơn, Tết Nguyên đán đang cận kề càng khiến nỗi lo chi tiêu tết tăng lên gấp bội.
Gen Z (những người sinh từ năm 1997 - 2015) là nhóm người trẻ đang chiếm phần lớn trong thị trường lao động. Thế nhưng, có khá nhiều đánh giá cho rằng, từ khóa “tiết kiệm” không có trong suy nghĩ của thế hệ này. Thế hệ thoải mái dùng thẻ tín dụng với phương châm “ta chỉ sống một lần trên đời” mà không cần lo đến ngày mai dùng khoản thu nhập nào để trả nợ?
Khi phần lớn những người thuộc thế hệ Y đã có ít nhiều tài sản tích lũy (sau một thời gian đi làm, tích lũy đủ dài), thì gen Z lại mới bước chân đi làm và có tài sản tích lũy khá ít ỏi hoặc gần như không có.
Vậy gen Z dự định sẽ chi tiêu như thế nào, khi kinh tế năm qua khá khó khăn? Liệu rằng họ có còn “vung tay quá trán” để tiêu xài, hay tiết kiệm và tích lũy cho năm sau?
Thu nhập giảm, gen Z nghĩ đến cách “cà thẻ” cho Tết
Anh N.Quang - nhân viên văn phòng - một gen Z đời đầu (28 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết, năm nay thu nhập và thưởng tết có đôi chút ảnh hưởng do công việc thay đổi. Đầu năm 2023, công ty cũ của Quang cắt giảm nhân sự, phải mất vài tháng sau đó anh mới tìm được công việc phù hợp. Do nhận công việc vào giai đoạn giữa năm, nên khoản thưởng tết năm nay của Quang cũng không được trọn vẹn. Hơn nữa, thu nhập hàng tháng của anh cũng giảm hơn phân nửa, do công ty mới chỉ chi trả được vậy.
Chia sẻ về dự định chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, anh Quang cho biết, dù thu nhập, thưởng Tết không bằng mọi năm, anh vẫn sẽ cố gắng mua sắm đầy đủ cho gia đình.
Anh Quang cho biết, để có một cái Tết sung túc và trọn vẹn, anh chấp nhận chi tiêu nhiều hơn và cân nhắc đến việc sử dụng thêm cả thẻ tín dụng cho các khoản mua sắm ở siêu thị, trong trường hợp cần thiết; hoặc tham khảo thêm các chương trình ưu đãi, khuyến mãi từ các ngân hàng, siêu thị, sàn thương mại điện tử... để tiết kiệm chi phí.
Anh T.M (24 tuổi, ngụ Tân Bình, TPHCM) cũng khá tương đồng. Là một người xa quê, dù thu nhập tại TPHCM vẫn ổn khi công ty trả lương hàng tháng, anh T.M cho rằng mức thu nhập của mình chỉ vừa đủ sống nên để có đủ tiền mua vé máy bay về Hà Nội ăn tết cùng gia đình, anh đã phải tiết kiệm khá nhiều vì vé tết năm nay khá đắt. Tuy vậy, anh T.M cũng cho biết, vẫn sẽ dành ra một khoản để gửi cho ba mẹ và các cháu, vì cả năm chỉ về quê có dịp Tết.
Cũng là nhân viên văn phòng, chị M.T (25 tuổi, TP.HCM) sinh ra và lớn lên ở TPHCM, vẫn ở chung với ba mẹ. Chị M.T cho biết, lương tháng không quá cao, chỉ đủ chi tiêu cá nhân. Chị nói bản thân không có dự định mua sắm gì đặc biệt cho dịp Tết, vì quần áo hay mỹ phẩm chị đã mua trong năm khi cần thiết. Hơn nữa, càng về cuối năm, giá các mặt hàng này đều tăng đáng kể. Đối với chị, kinh tế khó khăn đồng nghĩa chị phải tiết kiệm và chi tiêu khoa học hơn. Riêng khoản biếu cho gia đình thì vẫn như mọi năm - chị M.T vẫn ưu tiên dành ra từ 1-2 triệu đồng để gửi cho ba mẹ.
Cũng là thế hệ đầu gen Z, chị H.N (28 tuổi) lại có suy nghĩ khác. Sống trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi, chị N. cho rằng mức thu nhập của mình khá chật vật khi ngoài chi tiêu cho bản thân, chị còn nuôi thêm 4 “bé mèo”. Dù vậy, chị N. vẫn sẽ dành ra 1-2 chuyến du lịch trong năm để đi chơi với người yêu. Chị N. chia sẻ, nếu tháng nào chi quá nhiều, chị có thể ứng lương trước từ công ty nên cũng không quá lo lắng. Chị N. muốn sống thoải mái theo xu hướng YOLO (You Only Live Once - bạn chỉ sống một lần), dù hiện tại kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng đến thu nhập của chị khá lớn.
Trường hợp đi ngược lại so với đa số, chị T.R (24 tuổi, TP.HCM), người gốc Hà Nội vào TP.HCM sống và làm việc từ khi tốt nghiệp Đại học. Chị T.R rất băn khoăn trong dịp Tết này, vì chị vừa mất việc vài tháng nay: “Đối với tôi, 2023 quả là một năm khó khăn về cả tài chính và công việc. Tôi đã thất nghiệp 7 tháng và phải dựa vào bảo hiểm thất nghiệp để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do tìm việc khó khăn, chật vật trong chi tiêu cũng như tiền tích lũy chưa có nên tôi quyết định gửi bố mẹ ít tiền và quà cáp mang tính tượng trưng, đâu đó khoảng 500,000 đồng. Tôi hy vọng năm 2024, khi nền kinh tế hồi phục, tôi sẽ tìm được công việc phù hợp và có tài chính để có thể gửi về cho bố mẹ”, chị R. trải lòng.
Cần phát “cần câu” chứ không phải cho “con cá”
Theo ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối tài chính cá nhân CTCP FIDT, câu chuyện gen Z chi tiêu như thế nào là hợp lý phải nhìn ở góc độ môi trường, giáo dục và suy nghĩ riêng của mỗi cá nhân.
Phải nhìn nhận, “gen Z là thế hệ được sinh ra trong gia đình từ 1-2 con, được tập trung đầu tư về tài chính, tình yêu, giáo dục. Không có ai dạy cho gen Z biết chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân như thế nào là hợp lý. Do đó, chi tiêu không hợp lý không phải lỗi ở các bạn”, ông Huấn nói.
Về dài hạn, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính. Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải thực hiện nâng cao dân trí tài chính. Khi một cá nhân biết thế nào là đầu tư, tiết kiệm và quản lý chi tiêu, tự thân mỗi cá nhân đó sẽ có thể phân bổ chi tiêu.
Không thể có một lý thuyết nào hướng dẫn chi tiêu được, vì tiềm lực tài chính của mỗi gia đình khác nhau; tính cách, năng lực của mỗi con người cũng khác nhau; do đó chỉ có thể đưa lý thuyết về chi tiêu vào giáo dục thì sau khi có kiến thức, mỗi cá nhân sẽ tự định hình được chi tiêu như thế nào là hợp lý cho bản thân mình.
Điểm khó của gen Z chính là không có “cần câu”. Việc đưa kiến thức tài chính vào môi trường giáo dục phổ thông là cần thiết. Còn bên ngoài, các công ty có thể cung cấp các kiến thức chi tiêu, vì thế hệ này chưa được học trên ghế nhà trường.
Điều mà xã hội cần cung cấp cho gen Z chính là kiến thức tài chính. Sau đó, họ sẽ tự quyết định cuộc đời mình.
Trong ngắn hạn, ông Huấn gợi ý kỹ thuật phân bổ, quản lý chi tiêu 50 - 30 - 20, phân bổ chi tiêu thành 3 khoản (ăn chơi - thiết yếu - tiết kiệm).
Ví dụ, khi có thu nhập, phải cắt tỷ lệ tối thiểu, tùy thu nhập, chuyển sang tiết kiệm và cất đi; sau đó tách phần còn lại thành nhu cầu thiết yếu (thuê nhà, ăn uống…) và tài khoản ăn chơi (du lịch, mua sắm…). Bằng cách đó, tiền mua sắm tết cũng sẽ được dự trù, phân vùng và sẽ không thể vượt định mức. Ví dụ được thưởng tết 20 triệu đồng, có thể dùng định mức 50 - 30 - 20 đó để chi tiêu cho mua sắm và biếu gia đình mà không sợ vượt qua phần tiết kiệm.
Chúng ta chỉ có thể định hướng, còn chi tiêu cụ thể như thế nào, mỗi cá nhân sẽ có cách riêng. Tiết kiệm nên tối thiểu là 10 - 20%, tối đa là 15% dành cho ăn chơi, phần còn lại là chi tiêu thiết yếu. Việc phân bổ như vậy sẽ giúp cho các bạn đơn giản hóa việc chi tiêu, không cần phải kê chi tiết từng khoản chi vì đã có định mức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận