GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%: Phản ánh sát thực bức tranh kinh tế
Hiện nay, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về con số tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK).
Từ góc độ chuyên môn, xin bà cho biết một số đánh giá về mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay?
GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
Mức tăng GDP 6 tháng đầu năm tuy thấp hơn mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, nhưng theo tôi vẫn khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kết quả trên đến từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Được biết, TCTK đã công bố số liệu quy mô GDP đánh giá lại giai đoạn 2010-2017. Vậy từ năm 2021 theo quy mô GDP cũ hay quy mô GDP được đánh giá lại?
TCTK đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, kết quả đánh giá lại phản ánh sát thực, đầy đủ hơn bức tranh kinh tế Việt Nam. Theo đó, bình quân mỗi năm trong giai đoạn này quy mô GDP tăng thêm 25,4% so với số liệu GDP đã công bố trước đó. Kết quả đánh giá lại này đã được công bố, giải trình, làm rõ tại cuộc họp báo do TCTK tổ chức ngày 13/12/2019 cùng với sự tham dự của Trưởng đại diện, chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và các chuyên gia kinh tế trong nước. TCTK tiếp tục biên soạn GDP theo hai dãy số liệu (quy mô cũ và quy mô đánh giá lại của các năm từ 2018-2020). Trong đó, quy mô cũ phục vụ đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII; quy mô đánh giá lại phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Như vậy, giai đoạn 2010-2020 số liệu về GDP được phản ánh trên cả 2 dãy số liệu theo quy mô cũ và quy mô đánh giá lại.
Kể từ năm 2021, TCTK biên soạn GDP theo số liệu đã được đánh giá lại giai đoạn 2010-2020. Số liệu tăng trưởng quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được công bố biên soạn dựa trên số liệu năm 2020 đã được đánh giá lại.
Hiện nay, TCTK đang tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 để thu thập thông tin năm 2020 của toàn bộ các đơn vị sản xuất, gồm: Doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khác. Sau khi có kết quả, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, TCTK sẽ tiếp tục cập nhật số liệu chính thức GDP đánh giá lại của 3 năm 2018-2020. Sau đó, sẽ biên soạn và công bố ấn phẩm về GDP, GRDP và các chỉ tiêu liên quan của giai đoạn 2010-2020 cho cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng 6 tháng đầu năm khó đạt được con số 5,64% như công bố vì so với cùng kỳ năm trước, tiêu dùng thấp hơn, tích lũy tương đồng và lại nhập siêu. Xin bà phân tích rõ hơn điều này?
Theo phương pháp sử dụng, 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56%; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05% và 22,76%.
Tuy nhiên, theo quy mô cũ, GDP theo phương pháp sử dụng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 như sau: Tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng 0,69%; tích lũy tài sản tăng trưởng 1,93%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,31%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%. Như vậy, tiêu dùng và tích lũy 6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh, tăng 32,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, gần 94% trị giá hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu) phục vụ cho sản xuất trong nước.
Do đó, nhận định cho rằng căn cứ vào số GDP theo tiêu dùng thì sẽ không đạt tăng trưởng 5,64% vì so với cùng kỳ năm trước, tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn, tích lũy tài sản tương đồng và lại nhập siêu là chưa chính xác.
Xin cảm ơn bà!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận