Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực hoàn thành mục tiêu 95% kế hoạch
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm là rất lớn khi tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 chưa đến 50% kế hoạch vốn được giao. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn như Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, hàng loạt giải pháp “thúc” tiến độ đã được các bộ, ngành và địa phương ban hành...
Ngày cuối tháng 10/2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công những tháng cuối năm 2024. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, tăng cường kỷ luật đầu tư và nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai dự án đầu tư công.
“Dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, các dự án chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng cũng đều lãng phí nguồn lực, nhất là lãng phí về thời gian triển khai và thực hiện. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ban, ngành cần có cách tiếp cận mới để nhanh chóng đưa nguồn lực công chảy vào nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng cản trở, chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện các dự án”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chỉ thỉ được “người đứng đầu” thành phố ban hành trước thực trạng giải ngân đầu tư công của TP.Hà Nội 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 38,88% kế hoạch, thấp hơn so với trung bình của cả nước và cùng kỳ năm 2023 và có nguy cơ không cán đích khi thời gian hoàn thành mục tiêu còn lại của năm là rất ngắn.
VỐN GIẢI NGÂN ĐẠT THẤP
Dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh Vĩnh Phúc trong 9 tháng năm 2024 là khả quan, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, với tỷ lệ giải ngân trên 51%, áp lực giải ngân những tháng cuối năm đối với tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất áp lực, bởi thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều và tỷ lệ giải ngân vốn của các Ban Quản lý dự án hiện nay rất thấp.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều dự án hiện đang “dậm chân tại chỗ” do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, dự án vẫn đang chờ kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh hay chủ đầu tư gặp khó khăn trong xác định cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định các hạng mục của dự án… Do vậy, giải pháp trọng tâm, cấp bách được tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra để đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới là rà soát lại các quy định, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn.
Không chỉ hai địa phương trên, nhiều địa phương và bộ, ngành cũng đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm để đạt mức mục tiêu tối thiểu 95% kế hoạch Chính phủ giao. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ giải ngân đầu tư công trong 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 47,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, so với cùng kỳ năm 2023 đạt 51,3%, thì thấp hơn khoảng bốn điểm phần trăm.
Dù năm 2023 được xem là năm đặc biệt, có số vốn giải ngân nhiều nhất từ trước đến nay (bao gồm vốn kế hoạch hàng năm và vốn bổ sung từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43), thì giải ngân đầu tư công 9 tháng năm 2024 vẫn rất thấp so với yêu cầu đặt ra. Vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có mức giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt 0% hoặc một vài phần trăm.
Việc chậm trễ đưa vốn vào nền kinh tế không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn không tạo ra tác động lan tỏa kéo nền kinh tế tăng tốc trong quý cuối cùng của năm 2024. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng một điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% kế hoạch, ngay từ đầu năm, Chính đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP nhấn mạnh việc triển khai các dự án đầu tư công, nhưng giải ngân đầu tư vẫn rất ì ạch. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, ngoài các nguyên nhân cố hữu như vướng mắc thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư,… thì năm nay còn có nguyên nhân khách quan.
Đó là nguồn thu của các địa phương từ đất trong năm 2024 rất thấp do thị trường bất động sản chìm lắng nên thiếu nguồn lực để giải ngân cho dự án. Nhiều dự án giao thông bị thiếu cát, đất đắp nền dù Bộ Giao thông vận tải đã cho phép thử nghiệm sử dụng cát biển thay thế cũng như nỗ lực tìm thêm mỏ đất đắp khác nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được tiến độ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tác động vào các tỉnh phía Bắc khiến nhiều dự án đầu công phải tạm dừng để khắc phục hậu quả mưa lũ rồi mới tiến hành trở lại. Cùng với đó, công tác chỉ đạo điều hành ở cấp cơ sở, cấp tổ chức thực hiện, từ đầu năm 2024 đến nay cũng chưa quyết liệt như năm 2023.
ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Dù những khó khăn này đã được nhận diện từ sớm, từ xa, song, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chưa thể xử lý một sớm, một chiều bởi có những nguyên nhân mang tính đặc thù của đầu tư công. Đặc biệt, ở những dự án lớn, những tỉnh, thành phố lớn, việc giải ngân các dự án cũng nhiều sức ép hơn.
Hơn nữa, năm 2024, lượng vốn kế hoạch tại Hà Nội và TP.HCM cũng như nhiều bộ, ngành rất lớn nên tỷ lệ giải ngân vốn tại các thành phố này thấp hơn so với mọi năm. Vì vậy, trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Thủ tướng và Chính phủ hướng tới các bộ có lượng vốn kế hoạch lớn ở Trung ương như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để nâng tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Bởi nếu các địa phương lớn mà tỷ lệ giải ngân thấp thì dù các địa phương nhỏ giải ngân tốt đến mấy cũng không bù đắp được các mức thấp do các địa phương lớn để lại.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch và đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công, đã có những địa phương, bộ, ngành triển khai giải ngân tốt.
Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan Trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu nhiều chính sách phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn các tổ công tác được Thủ tướng thành lập trước đây như là 5 tổ công tác của các Phó Thủ tướng, 26 tổ công tác của các Bộ trưởng, trên tinh thần kiện toàn các tổ công tác để có sự chỉ đạo mới, với phong cách mới để đem lại sự quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Học hỏi kinh nghiệm từ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị phát động phong trào trong cả nước 120 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% theo mục tiêu đã đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận