24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gấp rút cơ cấu thời hạn trả nợ

Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do ngân hàng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4 (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, có hiệu lực từ ngày 24-4.

Gia hạn tối đa 12 tháng

Thông tư quy định các NH thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 24-4 đến hết 30-6-2024. Cụ thể, các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24-4, phát sinh trả nợ gốc và lãi từ ngày 24-4 đến ngày 3-6-2024. NH thương mại chủ động xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, con nợ phải được NH đánh giá không có khả năng thanh toán đúng thời hạn cũ do doanh thu, thu nhập sụt giảm nhưng vẫn có khả năng trả nợ theo đúng thời hạn mới.

Theo NH Nhà nước, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của ngành NH sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN), kéo dài thời gian vay và trả nợ NH, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.

Ngay sau Thông tư 02, NH Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) cũng có hiệu lực từ ngày 24-4, quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, đồng thời cho phép từ nay đến ngày 31-12, các NH thương mại được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết mà NH đã bán trong vòng 12 tháng.

NH Nhà nước cho biết việc ban hành Thông tư 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết NH đang gấp rút hoàn thiện quy chế nội bộ tái cơ cấu nợ cho khách hàng và sẽ triển khai trên toàn hệ thống trong vài ngày tới. Tuy nhiên, theo ông Tuệ, sau khi cơ cấu lại nợ cho khách hàng, NH không phải chuyển khoản vay sang nợ xấu nhưng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản vay đó vì bản chất của khoản vay vẫn là nợ chưa tốt, đồng thời nợ xấu của NH tạm thời chưa tăng lên.

Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho hay trước khi thông tư mới về cơ cấu nợ được ban hành, 4 NH thương mại nhà nước (VietinBank, Agribank, BIDV và Vietcombank) đã bàn bạc thống nhất về các tiêu chí, phương hướng thực hiện tái cơ cấu nợ cho khách hàng.

Hiện 4 NH này đang họp để chốt lại lần cuối, có thể trong ngày 25-4, VietinBank và 3 NH còn lại sẽ ban hành bảng hướng dẫn cụ thể, kèm điều kiện, thiết lập đường dây nóng để khách hàng và NH trao đổi thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ kinh tế

Ông Đinh Kiến Vương, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), nhận định thông tư mới về cơ cấu nợ sẽ giúp NH tạm thời giảm áp lực nợ xấu, đỡ gây hoang mang dư luận, tạo điều kiện để DN có khả năng hồi phục và trả nợ. Tuy nhiên, ngành NH sẽ vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực khi thu nhập giảm do dự phòng rủi ro tăng lên.

Báo cáo đánh giá nhanh của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá Thông tư 02 về kéo dài thời gian cơ cấu, giãn hoãn nợ sẽ giúp NH thương mại hạn chế trích lập dự phòng; tạo tiền đề cho nhiều DN được cơ cấu nợ hơn, bao gồm cả DN bất động sản.

Trong khi đó, Thông tư 16 sẽ góp phần tăng cường niềm tin thị trường, tăng nguồn cung, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đánh giá Thông tư 02 đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN, trong đó có DN bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà nếu hội đủ các điều kiện theo quy định sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Công ty FIDT, một tổ chức chuyên về tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, đánh giá thời hạn cơ cấu kéo dài tối đa 1 năm của Thông tư 02 là vừa đủ để các DN cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một giải pháp tích cực hỗ trợ mạnh cho nhóm cổ phiếu NH, bất động sản vì hai nhóm này chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt.

Bình luận về cơ cấu nợ, TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng (Đại học Rennes - Pháp), cho rằng việc NH gia hạn thời hạn trả nợ không quá 12 tháng và NH được giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp thị trường không dấy lên làn sóng nợ xấu. Bởi, theo quy định, khi khách hàng có nợ xấu tại một NH thì các khoản vay tại các NH khác đều bị liệt vào nhóm nợ xấu. Điều này sẽ làm cho nợ xấu của hệ thống NH gia tăng, khách hàng không vay vốn được, từ đó hạn chế kinh tế phát triển.

"Vì thế, Thông tư 02 sẽ giúp cho NH có thêm cơ chế hỗ trợ cho DN (trong đó có DN bất động sản) không bị chuyển nhóm nợ xấu, có thêm thời gian duy trì và xoay xở dòng tiền trả nợ trái phiếu. Dù vậy, các NH phải chọn lọc kỹ đối tượng DN có khả năng phục hồi để cơ cấu nợ bởi dù được giữ nguyên nhóm nợ song NH lại phải trích lập dự phòng, do đó lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng" - TS Lê Đạt Chí nhận định.

Theo Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), nội dung Thông tư 03 chủ yếu để hỗ trợ thanh khoản cho các DN phát hành vì thanh khoản trái phiếu chưa niêm yết rất thấp. Theo đó, các trái phiếu mà các NH đã mua "sỉ" của DN rồi bán ra thị trường đang bị các nhà đầu tư cá nhân yêu cầu thanh toán trước hạn hoặc khi đến đến hạn. Thế nhưng, hiện nay rất nhiều DN khó có khả năng thanh toán.

Do đó, việc cho phép các NH mua lại trái phiếu đã bán là động thái tích cực vì sẽ giúp tăng thanh khoản cho cả DN phát hành và nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, việc này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi NH và DN phát hành trái phiếu từng là khách hàng của nhau - ông Đỗ Hoàng Phúc, chuyên viên phân tích TCSC, nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả