Gạo Việt được giá nhưng thiếu hàng chất lượng
Mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu vài nghìn tấn gạo sang thị trường EU nhưng đang phải đối diện thực tế không gom đủ hàng chất lượng để bán.
Phản ánh này được ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (Lotus Rice), nêu tại cuộc họp về xuất khẩu gạo quý I, ngày 26/4.
Ông Khỏe cho biết, trước đây đối tác mua gạo Việt vì giá rẻ nhưng hiện giờ họ rất coi trọng chất lượng. Mỗi năm doanh nghiệp này xuất bán sang thị trường EU vài nghìn tấn gạo, song đang đối diện thực tế "không mua được đủ gạo chất lượng để bán".
"Đối tác không quá quan trọng giá cả, nhưng để đủ lượng gạo đạt chuẩn xuất khẩu theo nhu cầu thì lại thiếu", Giám đốc Lotus Rice cho hay.
Theo ông, ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo từ hạt giống, phát triển vùng nguyên liệu để có được các loại gạo chất lượng.
Xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến 15/4, Việt Nam đã xuất gần 2,4 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,25 tỷ USD. Số này tăng gần 34% về lượng và hơn 44% giá trị.
Theo VFA, cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Bình quân giá gạo Việt xuất khẩu đạt 529 USD một tấn, tăng gần 9% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói "đơn hàng nhiều không có ý nghĩa nếu ít vùng nguyên liệu chất lượng cao".
Ông Bình cho rằng, nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế và đưa ra mức giá phù hợp, hàng hóa sẽ cạnh tranh ở các thị trường cao cấp. Hiện, Công ty Trung An đang xuất gạo thơm ST24, ST25 sang châu Âu với giá 1.250 USD một tấn. Các loại gạo thơm khác dao động 800 - 925 USD một tấn.
Bộ Công Thương cùng doanh nghiệp tại cuộc họp đánh giá về xuất khẩu gạo quý I, ngày 26/4. Ảnh: Thi Hà
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cũng cho rằng gạo Việt cần đa dạng chủng loại để phù hợp nhu cầu thị trường. Khâu sản xuất, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần chặt chẽ hơn.
"Chất lượng cần ổn định hơn nữa để giữ uy tín trong xuất khẩu. Đặc biệt, nhà sản xuất cần kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác để doanh nghiệp mạnh dạn chào hàng vào các thị trường cao cấp, giá cao", ông Nam nhận xét.
Những thách thức với gạo xuất khẩu cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương nhận diện. Theo cơ quan này, một số phân khúc thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu Việt Nam đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ.
Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào leo thang, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ này cho biết sẽ cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cơ cấu thị trường xuất khẩu, chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo. Việc này sẽ giúp người trồng chuyên nghiệp hoá, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt hơn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, gần 48% tổng lượng xuất khẩu. Quý I, nước này nhập hơn 893.000 tấn, trị giá hơn 450 triệu USD. Kế đến là Trung Quốc, với hơn 340.000 tấn gạo xuất sang thị trường này trong quý đầu năm, thu về gần 200 triệu USD.
Thi Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận