Gạo Việt dính nghi vấn bỏ thầu giá rẻ tại Indonesia
Theo văn bản hỏa tốc của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số cơ quan truyền thông đưa tin, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hành vi trên có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Do đó, để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia, báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Thứ hai, xác minh thông tin được các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp.
Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.
Thứ tư, tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan (nếu có).
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia cũng nhận được văn bản yêu cầu phối hợp cung cấp một số thông tin. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Thống kê từng lô hàng theo chủng loại, số lượng, giá, thời điểm giao hàng.
Đối với các lô hàng trúng thầu trong gói thầu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Indonesia ngày 21/5/2024, doanh nghiệp phải thống kê chi tiết số lượng trúng thầu, giá trúng thầu (giá CIF, giá FOB), cảng giao hàng, số lượng và thời điểm giao hàng.
Đồng thời, báo cáo về tình hình thực hiện của thương nhân theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đối với chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định; tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu ngành gạo Việt Nam, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, kiên quyết nói “không” với các hành vi gian lận, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
Trước đó, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Theo kết quả công bố, trong tổng 150.000 tấn gạo trúng thầu, có tới 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đó, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu là 579 USD/tấn.
Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn. Đơn vị này có giá chào thấp trong số các doanh nghiệp dự thầu với 564,5 USD/tấn. So sánh giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Lộc Trời thấp hơn 24 USD/tấn và Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.
Là 1 trong 2 doanh nghiệp trúng thầu xuất khẩu gạo với giá thấp, Công ty Lộc Trời cho biết, khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng lợi thế, lợi ích các bên và nông dân.
Nguyên nhân công ty đưa ra mức giá trên vì doanh nghiệp có vùng trồng lúa nguyên liệu và hệ thống các nhà máy xay xát lúa gạo nên giảm được nhiều chi phí, có mức giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, Lộc Trời bán gạo với giá nào cũng không ảnh hưởng đến bà con nông dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận