Gần 4.500 doanh nghiệp ở TP.HCM dự kiến cắt giảm lao động dịp cuối năm
Khảo sát từ 11.502 doanh nghiệp TP.HCM với tổng số lao động là 251.027 người thì có đến 9.858 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 85,71%, số người lao động bị ảnh hưởng là 129.582 người, chiếm 51,62%.
Cả doanh nghiệp và người lao động đều “đuối sức”
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) trong quý III/2021 cho thấy, trong số 11.502 doanh nghiệp khảo sát thì có đến 9.858 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 85,71%.
Những lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 36,74%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 16,42%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm 8,79%; xây dựng chiếm 8,77%; vận tải kho bãi chiếm 6,66%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 4,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,03%; thông tin và truyền thông chiếm 3,69%.
Đồng thời, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm 42,7%; về nguồn vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm 18,23%; thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.
Bên cạnh đó, trong số doanh nghiệp khảo sát nêu trên với tổng số lao động là 251.027 người, thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 51,62%. Trong đó, lao động giãn việc/nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.
Dự kiến, số doanh nghiệp cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát.
Dịch COVID-19 phức tạp, TP.HCM giãn cách xã hội nhiều giai đoạn đã làm cho doanh nghiệp chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy hoạt động, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.
Thêm vào đó, việc áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm” đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM đang từng bước nới lỏng, khôi phục kinh tế, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xây dựng lại kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có cả kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê… Tuy nhiên, lượng lao động về quê ồ ạt trong thời gian qua khiến “bài toán” thu hút người lao động trở lại TP.HCM gặp vô vàn khó khăn.
Nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng “hiến kế” để đưa người lao động trở lại nhưng trên thực tế, dịch COVID-19 đã “bào mòn” sức lực của người lao động nhập cư khiến họ kiệt quệ về tài chính, sức khỏe. Tâm lý lo sợ, hoang mang khiến người lao động không mặn mà bám trụ lại thành phố để tìm việc sau dịch, họ chọ cách trở về quê hương - nơi có thể cho họ cuộc sống an toàn và yên tâm hơn.
Cần hơn 56.000 chỗ làm việc dịp cuối năm
Theo FALMI, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng khoảng thời gian còn lại để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu nhân lực quý IV tại TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM trong những tháng cuối năm cần khoảng 43.654 - 56.869 chỗ làm việc. Thời điểm cuối năm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hoàn thành chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán.
Các nhóm ngành, nghề cần tuyển dụng nhân sự như: Kinh doanh - thương mại cần khoảng 10.045-13.086 chỗ làm việc (chiếm 23,01%); dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần khoảng 5.033-6.557 chỗ làm việc (chiếm 11,53%); công nghệ thông tin cần khoảng 3.283-4.277 chỗ làm việc (chiếm 7,52%); cơ khí - tự động hoá cần khoảng 2.213-2.883 chỗ làm việc (chiếm 5,07%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 2.078-2707 chỗ làm việc (chiếm 4,76%); dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng cần khoảng 1.855-2.417 chỗ làm việc (chiếm 4,25%); du lịch - nhà hàng - khách sạn cần khoảng 1.807-2.354 chỗ làm việc (chiếm 4,14%); kỹ thuật điện – điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử cần khoảng 1.689-2201 chỗ làm việc (chiếm 3,87%); công nghệ lương thực - thực phẩm cần khoảng 1.606-2.093 chỗ làm việc (chiếm 3,68%); kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng cần khoảng 1.371-1.786 chỗ làm việc (chiếm 3,14 %)…
Ngoài ra, trong những tháng cuối năm ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, doanh nghiệp cũng có nhu cầu ở một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết.
Đáng chú ý, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%; cao đẳng chiếm 19,81%; trung cấp chiếm 26,35%; sơ cấp chiếm 19,96%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Khoảng 140.000 người lao động đã trở lại làm việc
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, hiện nay, theo thống kê của các khu chế xuất và khu công nghiệp có khoảng 134.850 người lao động trở lại TP.HCM để làm việc và rải rác tại các doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện khoảng trên dưới 5.000 người.
Theo Sở LĐ-TB&XH, người lao động muốn tìm việc tại thành phố, có thể liên hệ lại công ty cũ hoặc đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở để được tư vấn, hỗ trợ tìm việc theo nhu cầu. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ là đầu mối kết nối 2 bên, nếu phù hợp nhu cầu sẽ giới thiệu để doanh nghiệp phỏng vấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận