Gần 370 triệu USD xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 9 tháng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt gần 370 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 11/10, trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y.
Theo ông Long, một trong những nguyên nhân là công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng. Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên một số địa phương và người chăn nuôi cũng chưa tổ chức triển khai đúng nội dung chỉ đạo của Thủ tướng.
“Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt những địa phương phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp được Chính phủ và Bộ NN-PTNT nêu rõ. Trong đó nhấn mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc-xin. Ngoài ra cấm bán chạy lợn bệnh, lợn ốm; giết mổ lợn bệnh, lợn ốm vì dễ làm cho mầm bệnh phát tán, lây lan mạnh” - ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, dự kiến sang tuần sau, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để quán triệt công tác phòng chống, trong đó có bệnh dịch tả heo châu Phi.
Tại triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam - Vietstock 2023 sáng 11/10 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt gần 370 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Khách tham quan tại triển lãm Vietstock 2023.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng các nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến động thị trường, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, biến đổi khí hậu, tình trạng kháng kháng sinh…, đặc biệt là bệnh từ động vật lây sang người đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành chăn nuôi cần phải giải quyết. Dẫu vậy, chăn nuôi vẫn đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực.
“Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn góp phần quan trọng vào an ninh lương thực thế giới với sản lượng và giá trị xuất khẩu nông sản trên 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Ở hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp cũng đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng Vietstock 2023 với chủ đề “Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực, an toàn thực phẩm” sẽ là dịp để các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp vượt qua thách thức, tìm kiếm cơ hội mới cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận