Gần 3 triệu đồng mâm cỗ Tết Quý Mão vẫn 'cháy' hàng
Giá đặt cỗ Tết Quý Mão cao hơn khoảng 10-30% năm ngoái, nhưng phần lớn các nhà hàng trong tình trạng quá tải từ 26 Tết, nhiều nơi ngừng nhận đơn mới.
Tết nào chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đặt mua mâm cỗ Tết nấu sẵn do công việc cuối năm quá bận rộn. Theo chị, trên một triệu đồng một mâm cỗ 6-7 món ăn truyền thống là mức giá "chấp nhận được", thay vì tất bật đi chợ nấu nướng.Năm nay, giá mâm cỗ Tết tăng khoảng 10-20% so với năm ngoái, dao động 1,5-2 triệu đồng cho 7-9 món. Chị Thuỷ, chủ cơ sở chuyên nấu cỗ trên đường Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, giá mâm của nhà hàng này khoảng 1,3-1,8 triệu đồng, tăng so với năm ngoái do thực phẩm dịp cận Tết leo thang.
Thậm chí, có nhà hàng đưa ra mâm cỗ đặc biệt, gồm 11 món đặc sắc mang thương hiệu riêng với giá gần 3 triệu đồng. Giá cao nhưng chủ nhà hàng này cho biết nhận được gần trăm đơn mâm cỗ đặc biệt cho riêng ngày 29, 30 Tết.
Cách Tết hai tháng, chị Hoa, chủ một nhà hàng ẩm thực trên phố Nguyễn Tuân (Hà Nội) đã "chốt" hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm, nhưng chị cho hay, vẫn không tránh khỏi giá bị tăng vào thời điểm cận Tết.
Vì thế, với những mâm cỗ Tết đặt sau ngày ông Công ông Táo, nhà hàng thu thêm phụ phí tăng khoảng 5-7%, còn đặt trước thời điểm này giá giữ nguyên. Giá tăng, nhưng theo chị Hoa, nhà hàng của chị trong tình trạng quá tải đơn đặt mâm cỗ Tết.
"Nhân viên trực điện thoại, fanpage phải chia 3 ca trực, nhưng luôn trong tình trạng không kịp trả lời tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng. Nhà hàng chỉ nhận đơn tới hết ngày 27 Tết, do sợ bếp làm không kịp trả khách", chị chia sẻ.
Mâm cỗ với các món ăn truyền thống, mang đậm hương vị Tết cổ truyền. Ảnh: Quỳnh Anh
Ngoài mâm cỗ theo set có sẵn, các món chế biến theo thực đơn lẻ cũng được nhiều khách chọn. Tính đặt mâm cỗ Tết để bớt thời gian phải đứng bếp, nhưng chị Quỳnh (Tây Hồ, Hà Nội) không đặt trọn mâm cỗ theo set có sẵn của nhà hàng, mà mua theo thực đơn lẻ. Theo chị, cách này giúp chị vừa có mâm cỗ đủ món mang hương vị Tết cổ truyền, nhưng lại tiết kiệm chi phí vì "nhiều món trong thực đơn lên sẵn không phù hợp với gia đình".
"Tôi chỉ đặt những món cầu kỳ, cần nhiều thời gian chế biến, còn những món đơn giản thì tự nấu để giảm chi phí". Nhờ đó, mâm cỗ cúng Tết của chị vẫn đủ các món mang hương vị Tết nhưng vẫn tiết kiệm, chỉ bằng nửa giá so với đặt "full" mâm cỗ.
Chị Thuỷ, chủ cơ sở chuyên nấu cỗ trên đường Cầu Gỗ cũng cho hay, năm nay khách mua thích món theo list thực đơn của nhà hàng, thay vì mua theo set cố định. Các món ăn truyền thống mang hương vị Hà Nội như nem, canh bóng mọc, chả cốm... vẫn là những món được khách mua chọn nhiều nhất. Từ 26 Tết cửa hàng của chị Thuỷ đã "đóng đơn cỗ Tết vì quá tải".
"Cửa hàng làm cỗ, nấu cỗ gia truyền đã nhiều năm nên lượng khách mua ổn định, chủ yếu là khách quen nên đơn hàng đạt số lượng là chúng tôi dừng không nhận nữa, để đảm bảo chất lượng món ăn ngon nhất", chị Thuỷ nói và cho hay, từ ngày 28 Tết cơ sở chỉ nhận đặt hai món là gà cánh tiên và xôi thắp hương ngày Tết.
Sau ngày 23 tháng Chạp, giá cỗ Tết theo thực đơn lẻ cũng tăng khoảng 30.000-40.000 đồng một món do vật giá và phí ship tăng.
Quá tải đơn hàng đặt mâm cỗ Tết là tình trạng chung của nhiều nhà hàng cung cấp dịch vụ này mấy ngày gần đây. Một nhà hàng chuyên bán cỗ Tết trên phố Bà Triệu (Hà Nội) tới ngày 27 Tết đã phải thông báo ngừng nhận đơn do quá tải và tập trung trả hàng cho khách đặt trước. Đa số khách hẹn giao hàng vào ngày 29, 30 Tết, nên để tránh nhầm lẫn do lượng đơn nhiều, phần lớn các nhà hàng đều yêu cầu thanh toán trước, trừ mối quen.
Bên cạnh món cỗ mặn, mâm cỗ Tết món chay cũng được nhiều thực khách lựa chọn. Giá đồ chay theo set không tăng nhiều so với năm ngoái, dao động 1,1-1,9 triệu đồng cho 8 món, hoặc khách có thể chọn mua riêng từng món. Là đồ chay, nhưng mâm cỗ vẫn đủ đầy các món như món mặn truyền thống, như gỏi nấm tam tơ, nấm bỏ lò phô mai, bún nấm thang, bánh chưng chay, nem cốm nấm...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận