"Game" tăng vốn ngành chứng khoán nóng hơn về cuối năm, tổ chức lớn nhỏ đều chạy đua
Với loạt động thái cụ thể hơn của toàn ngành chứng khoán thời gian qua, bức tranh xếp hạng về vốn điều lệ ngành chứng khoán dự kiến phải vẽ lại trong thời gian tới. Bên cạnh sự đi lên của nhóm vốn vừa và lớn, các CTCK nhỏ cũng đang trở mình.
Hoạt động tăng vốn nhóm công ty chứng khoán (CTCK) có phần yên ắng vào những tháng đầu năm 2023, song song với việc thanh khoản thị trường xuống thấp kéo dài từ cuối năm trước. Tuy vậy, sau khi khối lượng giao dịch bùng nổ trở lại vào quý 3 với những phiên khớp lệnh tỷ USD, hàng loạt phương án triển khai tiếp tục được CTCK đưa ra với những con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Dẫn đầu về vốn, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) có kế hoạch lấy ý kiến cổ đông nhằm thông qua việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu). Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 - 2024. Theo đó, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên mức 19.645 tỷ đồng, bỏ xa đơn vị thứ hai vào thời điểm hiện tại là VPBankS (15.000 tỷ đồng).
Nhiều đơn vị liên quan đến các ngân hàng hoặc nằm trong hệ sinh thái của các ngân hàng cũng đang chủ động hơn trong hoạt động tăng vốn lớn. Chứng khoán LPBank (LVS) hay TPS (Mã: ORS) đang đưa ra phương án triển khai, hay gần trước đó những công ty ACBS, MBS (mã: MBS), TCBS đã tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh động thái tăng vốn ở nhóm quy mô vốn lớn và vừa, một hiện tượng ghi nhận thời gian mới đây là sự tham gia của nhóm công ty có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng, như Chứng khoán LPBank (LVS), Guotai Junan (Việt Nam), KAFI hay ASAM.
Về ý nghĩa, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp nâng cao vị thế trong ngành. Quan trọng hơn, với các phương án chào bán cổ phiếu, CTCK có nguồn lực bổ sung cho hoạt động kinh doanh, thường tập trung tại nghiệp vụ cho vay ký quỹ và tự doanh. Bởi lẽ theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu (của công ty đó).
Khi thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng mở rộng về quy mô và sức hút, để tăng sức cạnh tranh trong ngành, rõ ràng tăng vốn qua chào bán là phương án hiệu quả được số đông thành viên chọn lựa.
Những CTCK vốn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến bằng, thị phần môi giới thấp hơn rất nhiều so với tốp trên lại càng cần dùng phương án này, nhằm có bước nhảy cần thiết để vươn mình, tăng sức cạnh tranh trong ngành. Một khía cạnh quan trọng khác, hoạt động tăng vốn cũng mở ra cánh cửa cho các ông chủ đứng sau bơm tiền đầu tư vào công ty.
Trong số nhóm vốn nhỏ, sở hữu kế hoạch tăng vốn ấn tượng nhất thời gian qua chính là là LVS. Công ty muốn chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ sẽ gấp hơn 15,5 lần, từ 250 tỷ đồng ở hiện tại lên 3.888 tỷ đồng, lọt vào top 10 vốn điều lệ trong ngành.
Giống LVS, thời gian gần đây một số đơn vị vốn và thị phần nhỏ, ít tiếng tăm cũng đã đề ra bước đi tăng vốn cho mình, gồm Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), KAFI hay ASAM.
GTJA được đổi tên từ CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam, tiền thân là CTCP Chứng khoán VNS được thành lập tháng 8/2007. Theo báo cáo tình hình quản trị bán niên, tại ngày 30/6/2023, GTJA có các cổ đông lớn là Công ty Guotai Junan Securities (Hong Kong) Limited nắm giữ 35,35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50,97%; Công ty TNHH Dazhong (Việt Nam) International nắm giữ 8,33 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,02%.
Ngay sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng vào tháng 8/2023, Chứng khoán KAFI sắp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh.
KAFI muốn điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ theo hướng nâng giá trị tối đa đã đề ra trước đó. Trước đó, vào tháng 4, công ty đặt kế hoạch tăng vốn gấp đôi từ 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phương án mới, công ty muốn nâng mục tiêu tăng vốn lên tối đa 2.500 tỷ đồng.
Một đại diện đến từ Hàn Quốc là Chứng khoán ASAM hòa chung làn sóng tăng vốn. Theo kế hoạch, ASAM sẽ phát hành 9,37 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ của công ty từ 203 tỷ đồng lên 296,7 tỷ đồng. Giá chào bán là 12.000 đồng/cp.
Trong nhóm công ty chứng khoán nhỏ,Chứng khoán CV công bố nghị quyết về việc tổ chức đại hội đồng cô đông bất thường lần hai năm 2023 với ngày đăng ký cuối cùng là 25/12. Đại hội sẽ được tổ chức trong cuối tháng 12 hoặc tháng 1/2023. Nội dung của đại hội liên quan đến phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hiện, Chứng khoán CV có vốn điều lệ 157,5 tỷ đồng, nằm trong top cuối của thị trường. Tại ngày 30/9/2023, Chứng khoán CV có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Dịch vụ Di động Trực Tuyến (49%), ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường cùng nắm giữ 17% vốn. Cổ đông lớn nhất của Chứng khoán CV là Dịch vụ Di động Trực Tuyến, chính là đơn vị sở hữu ví Momo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận