GAB: Doanh nghiệp thường, cổ phiếu ‘phi thường’
Như lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, nếu các mức định giá bỗng đột nhiên tăng cao ngất ngưởng mà không được hậu thuẫn bởi những yếu tố nền tảng doanh nghiệp đằng sau, thì thứ bị tổn hại không chỉ là tính hợp lý mà còn sẽ là túi tiền của “nhà đầu tư”.
GAB (HOSE: GAB) có lẽ là công ty gạch sở hữu mức định giá cao nhất Việt Nam. Nhưng sẽ sớm thôi, doanh nghiệp này sẽ không đơn thuần là một nhà sản xuất gạch Tuynel nữa.
Hình ảnh khi nghĩ về GAB có thể sẽ là những rặng dừa và cát trắng, khi 332 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt tăng vốn sắp tới sẽ được doanh nghiệp này rót vào Dự án Khách sạn Coastal Hill Quy Nhơn của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Và biết đâu, tương lai của GAB sẽ là cả hàng không, năng lượng,… như những ngành kinh doanh mà doanh nghiệp này vừa đăng ký bổ sung vào đầu năm 2020.
GAB được thành lập và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 05/2016. Khởi đầu là một nhà sản xuất gạch Tuynel, rồi sau đó tiếp tục với các hoạt động thương mại quế chẻ, sơn, ván ép.
Theo định giá tại bản cáo bạch niêm yết GAB, cổ phiếu này lấy P/E tham chiếu ở mức 17.48 và P/B tham chiếu là 1.2. Theo đó, mức giá 12,000 đồng/cp được chọn làm giá chào sàn của GAB trong ngày giao dịch đầu tiên 11/07/2019. Hơn 7 tháng sau, mỗi cổ phiếu này có giá xấp xỉ 80,000 đồng, tương ứng mức tăng gần 570% và một hệ số P/E là 67.5, P/B là 6.8.
Diễn biến thị giá GAB kể từ ngày đầu niêm yết
Với mức định giá của một công ty công nghệ, GAB có kết quả doanh thu trong năm 2020 gấp đôi năm trước và lợi nhuận ròng gấp 2.7 lần.
Không thể chắc chắn liệu một kết quả kinh doanh như trên, cùng những dự án sắp tới của GAB, có là câu trả lời xác đáng cho 29 phiên tăng trần trong tổng số 37 phiên giao dịch kể từ ngày 19/12/2019. Tuy nhiên, các mức tăng giá tốt hơn hết nên được dựa lưng bởi những nền tảng cơ bản của công ty. Như lịch sử thị trường chứng khoán đã cho thấy, nếu các mức định giá bỗng đột nhiên tăng cao ngất ngưởng mà lại không được hậu thuẫn bởi những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp, thì thứ tổn hại không chỉ là tính hợp lý mà còn sẽ là túi tiền của “nhà đầu tư”.
Ở một khía cạnh khác, diễn biến của giá cổ phiếu GAB, cũng như bao cổ phiếu khác, là do “cung cầu thị trường”. Trong trường hợp này, người mua lớn nhất có thể nhìn thấy chính là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và một công ty chứng khoán có liên quan.
Đầu tháng 02/2020, ông Quyết đã gửi tới GAB “lời chào trân trọng” và thông báo về kế hoạch mua 2 triệu cp của đơn vị này. Trên thực tế, Tập đoàn FLC đã là cổ đông lớn thứ hai (và cũng là cổ đông sáng lập) tại GAB với tỷ lệ sở hữu gần 9% trước thời điểm niêm yết (tính đến 16/05/2019). Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc FLC – ông Trần Thế Anh cũng là một cổ đông lớn của GAB và vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này từ đầu tháng 2.
Ông Trịnh Văn Quyết từng là cổ đông lớn của Chứng khoán BOS khi nắm giữ gần 3.2 triệu cp ART, tương ứng sở hữu 8.47%, trước khi tỷ lệ bị pha loãng xuống còn 3.26% vào ngày 24/09/2018 sau đợt chào bán gần 60 triệu cp của BOS.
Những bước chạy phi mã của cổ phiếu GAB dường như cũng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Đó là Chứng khoán BOS (HOSE: ART, tiền thân là Chứng khoán Artex), khi hãng này vừa thông qua hạn mức tự doanh cổ phiếu GAB với giá trị tối đa 13.7 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, nguồn cung dồi dào cổ phiếu GAB gần đây là từ những người nội bộ của doanh nghiệp. Trong đó, bên bán đáng chú ý nhất là Thành viên HĐQT – bà Trần Thị Thúy, vị nguyên Chủ tịch với lý lịch 14 năm trong ngành chứng khoán và cũng là sáng lập viên của hãng gạch GAB. Bà Thúy đã bán một nửa lượng cổ phần sở hữu tại đây, tương ứng gần 1.3 triệu cp (tỷ lệ 9.24%) vào giữa tháng 01/2020, ngay khi kết thúc thời gian hạn chế chuyển nhượng 6 tháng sau niêm yết của cổ phiếu này.
Không chỉ có bà Thúy, hàng loạt các giao dịch bán ra được thực hiện bởi các Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc, Thành viên Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát và người thân của những người nội bộ tại GAB. Tổng cộng nhóm này đã bán 2.76 triệu cp GAB, tương ứng 20% cổ phần doanh nghiệp.
Nhiều cá nhân trong danh sách bên dưới đã bán tất cả cổ phiếu được phép chuyển nhượng sau khi thời gian 6 tháng hạn chế giao dịch kết thúc
Về phần doanh nghiệp, sau ngày lên sàn và giữa giai đoạn cổ phiếu tăng đột biến, GAB đã thoái vốn công ty liên kết, thay đổi địa chỉ trụ sở, đổi tên công ty, bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh, cùng một loạt những xáo trộn tại các vị trí chủ chốt từ người phụ trách quản trị, Kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc cho đến Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT.
Cùng với đó, một kế hoạch tăng vốn “khủng” từ 138 tỷ đồng lên 690 tỷ đồng dự kiến sẽ được triển khai. Và đương nhiên, nguồn vốn gấp 5 lần cũng đồng nghĩa rằng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường cũng sẽ nhiều hơn gấp 5 lần.
Những diễn biến tại GAB khiến ta liên tưởng đến một mô típ khá quen thuộc trên thị trường chứng khoán, là: Tăng vốn, lên sàn, người nội bộ bán ra… và tiếp tục tăng vốn.
Hành trình tăng vốn của GAB
Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận