FRT báo lãi gấp 44 lần nhờ bán laptop và chuỗi thuốc Long Châu có lãi
Nhu cầu sử dụng laptop tăng cao trong dịch COVID-19 và chuỗi thuốc Long Châu hết lỗ đã giúp FRT đạt lợi nhuận sau thuế 444 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 44 lần so với năm 2020.
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã: FRT) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Đáng chú ý, doanh thu hợp nhất của FRT đạt 22.619,5 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 443,9 tỷ đồng, bằng 44 lần so với thực hiện trong năm 2020 (10,216 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận gộp của FRT trong năm 2021 tăng nhẹ từ 13,9% lên 14%.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo riêng lẻ năm 2021 đạt 440 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu năm 2021 tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng laptop, phục vụ học tập và làm việc online tăng cao trong nửa cuối năm 2021.
Đồng thời, trong quý 4, ngành hàng Apple mở bán thành công iPhone 13 series và Macbook Pro 2021. Do vậy doanh thu cả năm 2021 tăng 38%, tương đương với 5.082 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 257%, tương đương 316 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế đạt 444 tỷ đồng, tăng gấp 44 lần so với năm 2020, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận sau thuế thu nhập trên Báo cáo tài chính riêng tăng, đạt mức 440 tỷ đồng như báo cáo trên.
Đồng thời, Công ty con Long Châu có lãi nhẹ trong năm 2021 thay vì lỗ như trong năm 2020. Doanh thu năm 2021 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2020 do mở thêm 200 cửa hàng mới, và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng mạnh trong năm 2021. Vì vậy lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng thêm 433 tỷ so với năm 2020.
Kết thúc năm 2021, chuỗi FPT Shop đạt 647 cửa hàng, tăng 52 cửa hàng so với đầu năm và chuỗi Long Châu có 400 nhà thuốc trên khắp 53 tỉnh thành, mở mới 200 nhà thuốc so với đầu năm.
Trong đó, chỉ riêng quý 4/2021, FRT đã mở mới gần 100 cửa hàng Long Châu. Kết thúc năm 2021, tổng cộng chuỗi thuốc này mở mới được thêm 200 cửa hàng.
Do mở rộng mạng lưới cửa hàng trong năm 2021 nên tài sản ngắn hạn của FRT tăng từ 4.960 tỷ đồng trong năm 2020 lên 10.221 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 2,7 lần từ 1.826 tỷ đồng lên 4.930 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ ngắn hạn cũng tăng từ 4.162 tỷ đồng năm 2020 lên mức 9.106 tỷ đồng trong năm 2021. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn phải trả người lao động tăng từ 1,57 tỷ đồng trong năm 2020 lên đến 408,6 tỷ đồng năm 2021, tương đương 260 lần.
Trong năm 2021, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 96,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.436 tỷ đồng lên 2.925,7 tỷ đồng. Trong đó, 1.820,5 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận