Fortex và “gánh nợ” 266,4 tỷ từ Tập đoàn Đại Cường thời ông Lê Mạnh Thường
Fortex có khoản vay dài hạn tới 266,4 tỷ đồng kế thừa từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường. Doanh nghiệp đã kế thừa toàn bộ các khoản vay bao gồm cả gốc lẫn lãi tương ứng với các tài sản nhận góp vốn từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường của ông Lê Mạnh Thường từ năm 2015.
Cổ phiếu FTM Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã giảm sàn 27 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu FTM liên tục giảm sản, 11 công ty chứng khoán gặp khó
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã trải qua phiên giảm sàn phiên thứ 27 liên tiếp và tiếp tục dư bán giá sàn với khối lượng hàng triệu cổ phiếu.
Theo thống kể, cổ phiếu FTM mất 85,17% giá trị sau khi lập đỉnh 25.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 9/7/2019. Trước đó, TTCK Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng giá khoảng 70% trong gần 5 tháng của cổ phiếu này. Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu FTM trong những phiên gần đây luôn ở mức dưới 1 triệu đơn vị, trong khi con số bình quân trước đó luôn đạt khoảng 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Đáng chú ý có những phiên, khối lượng dư bán sàn lên tới gần 33 triệu đơn vị, tương ứng 65% cổ phần công ty.
Những diễn biến bất thường của cổ phiếu FTM không chỉ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, mà đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân, mã chứng khoán FTM.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư chứng khoán cũng không khỏi xôn xao trước thông tin 11 công ty chứng khoán là “nạn nhân” của cổ phiếu FTM. Danh sách 11 công ty chứng khoán bao gồm: Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Chứng khoán NH, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, Công ty Chứng khoán Trí Việt, Công ty Chứng khoán MBS, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Chứng khoán Agribank, Công ty Chứng khoán KIS, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Công ty Chứng khoán SHS, Công ty Chứng khoán IB.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Fortex đã xin từ chức từ ngày 16/9/2019.
Giữa lúc tình hình có nhiều biến động, Công ty đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex) tiếp tục nhận được đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Hoàng Giang kể từ ngày 16/9, sau tròn 5 tháng tại vị tính từ ngày 16/4, khi ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Lê Mạnh Thường.
Khoản nợ kế thừa từ Tập đoàn Đại Cường của ông Lê Mạnh Thường
Về tình hình kinh doanh của công ty Fortex, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ 31 tỷ đồng sau thuế 6 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24% so với mức 591 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2018.
Theo Fortex, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm đáng kể và có mức lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam.
Trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, vì thế, các đơn hàng xuất khẩu sợi của Việt Nam rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ngành sợi có lượng hàng tồn kho ở mức cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.
Quan sát các chỉ tiêu tài chính khác của Fortex, tính ngày 30/6/2019, doanh nghiệp có khoản nợ phải trả lên tới 1.177 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn chiếm tổng cộng 719,7 tỷ đồng.
Trong đó, ở khoản mục vay ngắn hạn, Fortex vay hơn 317 tỷ đồng từ BIDV và hơn 28,9 tỷ từ VPBank. Ngoài ra, doanh nghiệp còn vay dài hạn 107 tỷ đồng, từ BIDV chi nhánh Thái Bình và chi nhánh Bắc Hà Nội bằng VND và USD.
Một điểm đáng lưu tâm trên BCTC của Fortex là mối quan hệ tài chính với các doanh nghiệp có liên quan tới cựu Chủ tịch Fortex Lê Mạnh Thường.
Theo đó, Fortex có khoản vay dài hạn tới 266,4 tỷ đồng kế thừa từ Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường. Bao gồm hơn 22 tỷ vay BIDV và 244,2 tỷ vay VDB. Doanh nghiệp đã kế thừa toàn bộ các khoản vay bao gồm cả gốc lẫn lãi tương ứng với các tài sản nhận góp vốn từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường từ năm 2015.
Theo biên bản góp vốn năm đó, Đại Cường đã góp vốn vào Fortex bằng giá trị tài sản thuần gồm tài sản cố định hữu hình với tổng giá trị góp vốn là 704,4 tỷ đồng và các khoản vay tài trợ tài sản cố định góp vốn với tổng số dư tại ngày góp vốn là 424,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Fortex còn phát sinh khoản phải thu với Đại Cường, bao gồm 58,3 tỷ đồng khoản phải thu về cho vay ngắn hạn và 34 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn. Khoản tiền mà Fortex cho vay Đại Cường tính từ năm 2017 đến nay được chia ra thành nhiều khoản vay với 9 lần cho vay và tất cả đều không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay vốn cố định 9%/năm.
Một công ty khác liên quan đến Đại Cường cũng đang có khoản vay với Fortex là Công ty Cổ phần Bất động sản New City, một viên của Tập đoàn Đại Cường. Cụ thể, New City có khoản vay ngắn hạn và dài hạn phải trả cho Fortex với giá trị 11,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Fortex cũng có khoản thu ngắn hạn khác tới 115 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Cường, một doanh nghiệp do ông Lê Mạnh Thường là người đại diện pháp luật. Được biết đây là khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác khi đầu tư vào Dự án Khu thương mại dịch vụ căn hộ và văn phòng cho thuê tại 55 Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ông Lê Mạnh Thường tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Từ những thông tin nêu trên, có thể thấy Tập đoàn Đại Cường có mối quan hệ khá chặt chẽ với Fortex thông qua ông Lê Mạnh Thường, cựu Chủ tịch Fortex, đồng thời là người sáng lập Tập đoàn Đại Cường, và từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Cường cho đến năm 2017.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận