Ford 'bất ngờ' báo lãi dù sản lượng giảm mạnh do thiếu chip
Lợi nhuận quý 2 của Ford đạt 561 triệu USD, bằng 1/2 cùng kỳ năm ngoái, nhưng là con số vượt dự báo của các nhà phân tích do doanh nghiệp phải chống chọi với khủng hoảng chip khiến nhiều nhà máy đóng cửa.
Trước đó, các nhà phân tích Phố Wall dự báo Ford sẽ có khoản lỗ nhỏ trong quý 2, theo CNBC. Dù nhu cầu về ô tô và xe tải tăng mạnh, Ford và hầu hết các hãng ô tô khác buộc phải đóng cửa một số nhà máy ở một số thời điểm do thiếu chip.
Tháng 4, Ford cho biết doanh nghiệp ước tính sẽ mất khoảng 50% sản lượng theo kế hoạch quý 2 do không đủ chip, tức mất khoảng 2,5 tỷ USD cả năm.
Nhưng hôm thứ Tư, hãng ô tô Mỹ thông báo sản lượng bị mất đi không tồi tệ như đã lo ngại, và doanh nghiệp ước tính lợi nhuận điều chỉnh cả năm trước lãi suất và thuế sẽ đạt từ 9 tỷ đến 10 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 5,5 tỷ đến 6,5 tỷ USD dự báo ba tháng trước.
Lợi nhuận quý 2 là một bất ngờ ngay cả đối với ban lãnh đạo cấp cao của Ford. “Tôi có thể nói rằng hồi đầu quý dự báo của chúng tôi rất xa kết quả này”, Jim Farley, Giám đốc điều hành nói. Theo Farley, tình hình nguồn cung chip vẫn còn “bấp bênh”, nhưng ông kỳ vọng sẽ có cải thiện phía trước.
Ford cho biết doanh nghiệp nhận thấy có nhu cầu rất mạnh đối với một loạt xe mới, trong đó có Ford Bronco, SUV điện Mustang Mach-E và F-150 Lightning, phiên bản chạy điện của chiếc xe bán tải bán chạy nhất của Ford.
Hiện có 120.000 đơn đặt hàng cho F-150 Lightning, loại xe phải đến mùa xuân năm sau mới có, và 120.000 đơn đặt hàng chưa được thực hiện cho Ford Broncos, loại xe mới đi vào sản xuất gần đây. Hơn 70% đơn đặt hàng cho cả hai loại xe này đến từ những khách hàng mới đến với Ford, CNBC đưa tin.
“Vượt qua khó khăn nửa đầu năm, chúng tôi tiến nhanh tới tăng trưởng trong nửa còn lại và giai đoạn tiếp theo do có những sản phẩm bán chạy, nhu cầu bị dồn nén, trong khi nguồn cung chip sẽ có cải thiện”.
Giám đốc tài chính John Lawler cho biết thường cần nhiều thời gian để các hãng ô tô thu được lợi nhuận từ những xe điện ở giai đoạn đầu của sản xuất, nhưng Mustang Mach-E đã có lãi trong năm đầu tiên xuất xưởng.
Cách bán ô tô mới
Farley nói để vượt qua tình trạng thiếu chip, Ford đã thực hiện những thay đổi căn bản trong cách thức kinh doanh. Hiện hãng dự kiến sẽ bán nhiều xe hơn cho những khách hàng đặt mua cụ thể, thay vì chuyển xe đến các đại lý để bán cho khách hàng tới xem.
Các đơn đặt hàng trước của khách hiện lớn gấp bảy lần so với thời điểm này một năm trước, chưa kể các đơn đặt trước cho F-150 Lightning hay Bronco, theo Farley.
“Chúng tôi rút ra điều này: Sản xuất số lượng xe ít hơn trên các lô hàng không chỉ khả thi mà còn tốt hơn cho khách hàng, đại lý và Ford”.
Ông cho biết có thêm nhiều đơn đặt hàng từ khách giúp giảm lượng hàng tồn kho cho Ford và các đại lý, và phản ánh tốt hơn nhu cầu thực tế, đồng thời ít cần phải sử dụng các khuyến khích như hoàn lại tiền và tài trợ để bán xe đang tồn kho.
“Tôi biết chúng tôi đang lãng phí tiền vào các ưu đãi. Với một hệ thống dựa trên đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ có ít rủi ro hơn. Và lợi ích của người mua là họ nhanh chóng có được chính xác xe mà họ muốn”.
Tình trạng khan hiếm hàng mới và cũ do thiếu chip và nhu cầu tăng mạnh từ người mua khiến giá ô tô cũ và mới đều tăng cao kỷ lục. Nhưng các nhà sản xuất ô tô bán xe cho các đại lý, những đơn vị có sở hữu độc lập, với giá bán buôn đã định. Vì thế, các đại lý thu lợi từ giá ô tô tăng cao, lợi nhiều hơn các nhà sản xuất.
Ford đầu tháng 7 cho biết họ ngừng sản xuất hoặc giảm sản lượng ở tám nhà máy, trong đó có sáu ở Mỹ, trong những khoảng thời gian khác nhau của tháng 7 và sang đầu tháng 8 do thiếu chip. Trong số các sản phẩm bị ảnh hưởng có Ford F-150, Ford Bronco Sport, Ford Mustang và Ford Explorer.
Ngoài ra, Ford cho biết sản xuất xe bán tải Ford Ranger và Ford Bronco SUV mới, bắt đầu được vận chuyển đến các đại lý, giảm trong các tuần từ ngày 5 tháng 7 và ngày 26 tháng 7 tại nhà máy lắp ráp Michigan, Mỹ.
Theo công ty tư vấn AlixPartners, thiếu hụt chip có thể khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu mất 110 tỷ USD doanh thu năm 2021. Tình trạng thiếu hụt chip được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2022.
Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc đang ráo riết thu hút đầu tư cho sản xuất chất bán dẫn, coi đây là hướng đi quan trọng giúp “đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận