FMC: Dự kiến phát hành 9.8 triệu cổ phiếu, xây dựng nhà máy mới ‘đánh’ vào thị trường EU
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án đầu tư mở rộng xây dựng nhà máy mới và phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Cụ thể, FMC sẽ đầu tư mở rộng xây dựng Nhà máy Thủy sản Sao Ta với tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự kiến từ 200 - 250 tỷ đồng. Công suất của nhà máy theo phương án đầu tư là 15,000 tấn/năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 13.3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực (01/08/2020), một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU đều giảm xuống mức thuế 0%. Hiệp định này cũng mang đến hy vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020.
FMC đầu tư nhà máy mới nhằm mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh tôm gồm tiếp tục mở rộng vùng nuôi theo chỉ tiêu đã có, xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm cao cấp. Thị trường chiến lược là EU. Thời gian thực hiện thủ tục dự án là sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt thông qua và FMC sẽ triển khai xây dựng vào đầu năm 2021.
Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành hơn 9.8 triệu cp (mệnh giá 10,000 đồng/cp) cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1 và giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 30/06/2020. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2020 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được FMC dùng tài trợ cho dự án xây dựng công trình Nhà máy Thủy sản Sao Ta. Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán. Nếu không đạt, FMC sẽ sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác hoặc vay ngân hàng hoặc huy động từ các nguồn hợp lệ khác nhằm bù đắp phần vốn còn thiếu.
Về tình hình kinh doanh tháng 9, thành phẩm tôm chế biến của FMC đạt 2,390 tấn và doanh số tiêu thụ đạt 17.9 triệu USD, đều tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số tiêu thụ 9 tháng đầu năm đạt 138.1 triệu USD, tăng 16.1% so cùng kỳ năm 2019. Theo FMC, cuối năm thời tiết chuyển lạnh do hiện tượng La Nina nên sẽ không tốt cho việc nuôi tôm. Do đó, FMC đã thả giống sớm vụ 2 và tất cả sẽ được thu hoạch trong năm.
Trước đó, FMC công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2020 với hoạt động chế biến và tiêu thụ tôm đã tự phá các kỷ lục so với thời gian trước. Cụ thể chế biến tôm đạt sản lượng 2,468 tấn, tiêu thụ 2,195 tấn, doanh thu đạt 23.6 triệu USD (khoảng 543 tỷ đồng). Phía FMC cho biết gặp khó trong nuôi tôm khi dịch bệnh (tôm) khá mạnh mẽ ở đồng bằng. Đây cũng là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thời gian còn lại năm 2020 của cả ngành chế biến tôm.
Kết quả kinh doanh của FMC qua các năm . Đvt: Tỷ đồng
Trên thị trường, giá cổ phiếu FMC hiện đang giao dịch quanh mức 33,600 đồng/cp (chốt phiên 02/10/2020), tăng 28% qua 1 quý trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 275,000 cp/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận