FiinGroup: Thị trường đang ở vùng định giá cao, ngắn hạn khó tăng nhưng hết năm 2022 có thể cán mốc 1.800 điểm
Về dài hạn, Vn-Index vẫn có thể hướng tới mốc khoảng 1.800 điểm trong năm 2022. Con số dự đoán này được tính toán dựa trên VN-Index hiện nay nhân với triển vọng tăng trưởng EPS năm 2022 và với giả định bỏ qua yếu tố pha loãng cổ phiếu.
FiinGroup vừa công bố báo cáo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và cơ hội đầu tư 2022 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
VN-INDEX CÓ THỂ CÁN MỐC 1.800 ĐIỂM
Cụ thể, thống kê của FiinGroup cho thấy, dòng tiền giao dịch đã cải thiện trong 3 tuần đầu tháng 3/2022 với giá trị giao dịch bình quân tính trên một đầu tài khoản tăng 1,06 triệu trong 3 tuần đầu tháng 3 sau khi suy giảm liên tục từ tháng 12/2021.
Thị trường vẫn mang đặc tính đầu cơ hoặc đầu tư ngắn hạn. Do dòng tiền từ nhóm tài khoản tổ chức vẫn hạn chế và khối ngoại chủ yếu là tổ chức vẫn bán ròng mạnh trong đầu năm 2022. Xét theo nhóm vốn hóa, chỉ số giá của nhóm vốn hóa lớn có mức tăng thấp hơn so với các nhóm khác vì định giá giảm -9,9%. Thực tế này tiếp tục từ năm 2021 cho dù lợi nhuận vẫn tăng tốt.
Fiingroup cho rằng, để định giá tăng trở lại, nhóm vốn hóa lớn phải cần đến sự nhập cuộc tích cực của dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là khối ngoại, bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân hiện chưa có dấu hiệu thoái lui ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ.
VN-Index đang được định giá ở mức 17x PE nhưng định giá của khối Phi tài chính hiện ở mức 20,3 lần lợi nhuận năm 2021, giảm nhẹ -0,9% so với cuối năm 2020 và tương đương 1 lần độ lệch chuẩn của bình quân giai đoạn từ 2011 đến nay (20,6x). Như vậy, thị trường bắt đầu năm 2022 trên nền định giá P/E lần đầu tiên neo quanh vùng cao này trong thời gian dài (>1,5 năm) kể từ 2011.
Việc định giá của khối Phi tài chính duy trì ở vùng cao trong thời gian dài có thể hiểu là thị trường cần có yếu tố đột phá về triển vọng lợi nhuận cũng như yếu tố hỗ trợ thanh khoản để hỗ trợ giá tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, những tác động của các diễn biến bất lợi hiện nay trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc chiến Nga-Ukraine, lạm phát gia tăng gây sức ép lên lãi suất và chi phí đầu vào; và dịch Covid-19 kéo dài cản trở đà hồi phục về cầu tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền định giá đã ở mức cao, thanh khoản thị trường chưa thực sự đột phá và tăng trưởng lợi nhuận dự báo cho năm 2022 vẫn trong kỳ vọng, dư địa tăng của thị trường trong ngắn hạn khá hạn chế và việc tìm kiếm cơ hội đầu tư đòi hỏi nhiều sự tính toán và chọn lọc hơn.
Về dài hạn, Vn-Index vẫn có thể hướng tới mốc khoảng 1.800 trong năm 2022 này. Con số dự đoán này được tính toán dựa trên VN-Index hiện nay nhân với triển vọng tăng trưởng EPS năm 2022 và với giả định bỏ qua yếu tố pha loãng cổ phiếu. Để hỗ trợ được tăng trưởng của VN-Index thì yếu tố tăng trưởng lợi nhuận cần được duy trì tiếp tục ở mức cao tương đương trong năm 2023.
"Các ẩn số và diễn biến ngắn hạn là khó đoán định nhưng với triển vọng lợi nhuận 2022 được xem là tươi sáng của cả khối ngân hàng và doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng đó là mức mà VN-Index có thể đạt đến trong năm nay. Dĩ nhiên, triển vọng thị trường nói chung hay giá cổ phiếu cụ thể không chỉ được xác định bởi quy luật giá trị hay nói cách khác là triển vọng lợi nhuận của nó mà các yếu tố tác động đến tâm lý cung – cầu cổ phiếu và vận động của dòng tiền vẫn luôn là yếu tố chi phối trong ngắn hạn", FiinGroup nhấn mạnh.
NHÓM NÀO TIỀM NĂNG?
Về lợi nhuận, theo FiinGroup, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khá tươi sáng với lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 19,6%, dựa trên số liệu kế hoạch của doanh nghiệp.
Tăng trưởng đó được dẫn dắt bởi khối Ngân hàng với kỳ vọng tăng lợi nhuận sau thuế ở mức 20%-25% năm 2022 nhờ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan, nợ xấu giảm do chất lượng tín dụng doanh nghiệp cải thiện đáng kể sau Covid và thu nhập từ phí vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Với nhóm Môi giới chứng khoán, các công ty này lập kế hoạch kinh doanh 2022 khá thận trọng với mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng kỳ vọng dưới 10% năm 2022 do kỳ vọng sụt giảm về lợi nhuận từ hoạt động tự doanh. Hơn nữa, theo khảo sát của FiinGroup, mức kỳ vọng thanh khoản bình quân ngày khoảng 27 ngàn tỷ trên cả 3 sàn, cao hơn chỉ 10,2% so với mức 24,5 ngàn tỷ bình quân của năm 2021 nhưng thấp hơn nhiều so với hai tháng đỉnh cao cuối năm 2021.
Đối với nhóm phi tài chính, FiinGroup cho rằng, kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng hồi phục khi các hoạt động kinh tế dần ổn định trở lại là cơ sở cho dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch (bao gồm Cảng hàng không và Giải trí), Hàng cá nhân, Đồ uống, Điện, Thủy sản, May mặc trong năm 2022.
Riêng ngành Thủy sản (đặc biệt là nhóm chế biến cá tra), cuộc chiến giữa NgaUkraine đang mang lại cơ hội lớn.
Xây dựng và Vật liệu xây dựng (đá, cát sỏi, nhựa đường) dự kiến tăng lợi nhuận sau thuế lần lượt +88% và +25% năm 2022 nhờ kỳ vọng chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông (bao gồm cao tốc và sân bay). Nhóm Xây dựng, đà tăng nóng của giá nguyên vật liệu xây dựng cùng với chi phí nhân công ngày càng cao là rủi ro hiện hữu đối với kế hoạch lợi nhuận 2022.
"Triển vọng lợi nhuận nói chung tươi sáng nhưng không có nghĩa là cơ hội đầu tư đến với mọi nhóm Ngành nhưng chúng tôi cho rằng trong bối cảnh thị trường đi ngang hay giao động hẹp như hiện nay thì việc dành thời gian và nguồn lực để tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng, có câu chuyện và theo dõi diễn biến giá vẫn có cơ hội để tạo ra cơ hội thành công trong năm 2022", FiinGroup nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận