Fed và sự trưởng thành từ 8 bài học khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng 1907 là tiền đề cho sự ra đời của Cục Dự trữ liên bang Mỹ với vai trò là "người cầm trịch" thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1913 cho tới gần đây nhất là giai đoạn suy thoái do Covid-19, những bài học từ mỗi cuộc khủng hoảng giúp hình thành nên sự "trưởng thành" của một trong những ngân hàng trung ương quan trọng nhất toàn cầu: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Người thất nghiệp trên đường phố Mỹ vào năm 1935. Ảnh: Getty. |
I. Sự ra đời của Fed
Cuộc khủng hoảng hoảng loạn 1907 (The Panic of 1907) nổ ra trong tháng 10 khi một số nhà đầu cơ, trước đó đã vơ vét hết cổ phiếu của một công ty khai thác đồng, bắt đầu thua lỗ nặng khi thị trường chứng khoán lao dốc. Chỉ sau vài ngày, thông tin về mối liên hệ giữa các nhà đầu cơ nói trên với Knickerbocker Trust, một công ty tín thác có tiếng thời đó, liên tục xuất hiện. Điều đó khơi mào làn sóng người gửi tiền tới rút vốn khỏi công ty này.
Cạn kiệt tiền và không còn lựa chọn nào khác, Knickerbocker phải tạm dừng hoạt động, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng khi chính những công ty tín thác khác và nhiều ngân hàng phải đối mặt với “cơn lốc” rút tiền của người dân. Khoản lãi suất mà các nhà đầu tư chứng khoán phải trả cho các khoản nợ qua đêm tăng phi mã từ 9,5% lên 100%. Và cuộc khủng hoảng này chỉ thực sự chấm dứt khi James Pierpont Morgan, người sáng lập ra ngân hàng J.P. Morgan, đứng ra can thiệp, giúp trấn an thị trường.
Cuộc khủng hoảng này chính là tiền đề cho sự ra đời của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nước Mỹ vần một hệ thống tài chính ổn định, hậu thuẫn bởi một ngân hàng trung ương với nguồn vốn đủ lớn để ngăn cản những cuộc khủng hoảng.
Sáu năm sau, vào năm 1913, Fed chính thức được thành lập với vai trò là "người cầm trịch" các thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ. Khi khủng hoảng xảy ra vào các năm 2008 và 2020, chính nguồn lực tới từ cơ quan đã góp phần vực dậy kinh tế Mỹ từ vũng lầy suy thoái.
II. Đại khủng hoảng 1929
Bắt đầu từ giữa năm 1928, thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa và Fed vô tình giúp bơm căng “bong bóng”. Để bảo vệ giá trị của đồng bảng Anh dưới chế độ bản vị vàng, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Montagu Norman thuyết phục Fed duy trì chính sách lãi suất thấp. Điều đó giúp ổn định đồng tiền của Anh và đồng thời khuyến khích nhu cầu vay vốn và giá trị của các loại hình tài sản tài chính. Từ giữa năm 1928 cho tới đỉnh vào tháng 9/1929, chỉ số Dow Jones tăng tới 90%.
Sàn chứng khoán New York vào năm 1929. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Các quan chức của Fed cũng không tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch hành động. Chủ tịch Fed New York ủng hộ tăng lãi suất nhằm gia tăng chi phí tín dụng, nhưng nhiều thành viên khác của Fed lại muốn cơ quan này hành động theo một hướng khác, cụ thể hơn: yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay. Và cuối cùng, bong bóng nổ tung. Chỉ số Dow Jones giảm 13% vào ngày thứ 2 đen tối (28/1/1929). Tính tới tháng 11 năm đó, chỉ số này giảm còn một nửa so với đỉnh.
Tác động của sự kiện này vẫn có thể được nhìn thấy nhiều năm sau đó. Nhiều ngân hàng phá sản, cuốn theo khoản tiền tiết kiệm của biết bao hộ gia đình cũng như những khoản cho vay trước đó. Fed đã không làm tròn bổn phận ngăn chặn sự hoảng loạn trên thị trường tài chính. Chủ tịch Fed New York George Harrison thậm chí không đưa ra một “phát biểu trấn an nào” để ổn định thị trường ngân hàng vì ông sợ sự sụp đổ của những ngân hàng tiếp theo sẽ ảnh hưởng tới uy tín của bản thân.
Sự thất bại này đã dẫn tới nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Đạo luật Ngân hàng năm 1935 góp phần hàn gắn sự thiếu nhất thống trong công tác điều hành của Fed khi dồn quyền kiểm soát về Washington. Chế độ bản vị vàng, rào cản đối với các chính sách tỷ giá và tiền tệ linh hoạt cần thiết để hồi phục nền kinh tế, không còn được ưa chuộng. Và lý thuyết kinh tế học cổ điển nhường chỗ cho thuyết kinh tế học Keynes.
“Tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Fed từng phải đối mặt chính là sự ‘xung khắc’ giữa các mục tiêu của ngân hàng này giữa một bên là tỷ giá hối đoái và sự ổn định tài chính trong nước”, theo Liaquat Ahamed, tác giả cuốn sách Lords of Finance: The Bankers Who Broke the World viết về giai đoạn lịch sử đó. Hiện tại, Ahamed cho biết cái khó của Fed nằm giữa nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ ngăn chặn bong bóng xuất hiện trên các thị trường tài chính.
III. Thỏa thuận giữa Fed và Bộ Tài chính
Sau khi Mỹ tham gia Thế chiến II, Fed cũng tìm cách hỗ trợ cuộc chiến theo cách của riêng mình. Trong ngày 29/4/1942, cơ quan này cam kết áp dụng trần lãi suất để Bộ Tài chính Mỹ có thể vay tiền từ họ với chi phí rẻ. Nhưng việc áp cung trần buộc Fed phải từ bỏ kiểm soát cung tiền, do đó, họ gặp khó trong việc kiểm soát cả lạm phát và thị trường việc làm.
Sau cuộc chiến, Tổng thống Harry Truman tìm cách duy trì mức trần lãi suất này nhằm đảm bảo những nhà đầu tư vào trái phiếu chiến tranh không thua lỗ, điều đã từng xảy ra sau khi Thế chiến I khép lại. Trong tháng 12/1950, Tổng thống Truman viết một lá thư cho Chủ tịch Fed Thomas McCabe nói rằng: “Tôi hy vọng rằng Ủy ban điều hành nhận thấy trách nhiệm của mình và không để lãi suất thấp hơn lợi suất trái phiếu của chúng tôi. Đó chính là điều Thủ tướng Liên Xô Stalin muốn”.
Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ bắt đầu leo thang kể từ sau cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên và Fed rất muốn đưa lãi suất đi lên.
Sau nhiều tuần đàm phán, một thỏa thuận đã được thống thất. Vào ngày 4/3/1951, Bộ Tài chính và Fed công bố thông cáo về quyền quyết định độc lập của Fed trong công tác điều hành lãi suất mà không cần quan tâm đến chi phí các khoản nợ mà chính phủ Mỹ phải trả.
Cuộc chiến chống lạm phát đòi hỏi cơ quan điều hành được hoạt động một cách tự do, không chịu bất cứ áp lực chính trị nào. Việc duy trì tính độc lập của Fed trong bối cảnh tổng thống và quốc hội luôn có những ưu tiên khác là một thách thức. Nhưng việc chọn ra người đứng đầu cơ quan này cũng không hề đơn giản. Ông McCabe chưa từng được đào tạo hoặc có chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên ông góp phần quan trọng vào việc đưa Fed vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của sự tự do.
Cựu Chủ tịch Fed Thomas McCabe (thứ ba từ trái sang). Ảnh: Ira Gay Sealy/The Denver Post/Getty Images. |
IV. Cú sốc Volcker
Vào năm 1979, lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và người dân vô cùng phẫn nộ. Tổng thống Jimmy Carter đã phải cải tổ lại chính phủ, đưa Chủ tịch Fed lúc bấy giờ là G. William Miller lên đứng đầu Bộ Tài chính. Sau đó, ông bổ nhiệm Paul Volcker trở thành lãnh đạo tối cao của Fed.
Hai tháng sau, vào ngày 30/9, Volcker tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Belgrade. Ông đặc biệt chú ý tới bài phát biểu của cựu Chủ tịch Fed Arthur Burns giải thích nguyên nhân các ngân hàng trung ương gặp khó trong việc kiểm soát lạm phát. Đó là bởi người dân không chấp nhận một cuộc suy thoái “cần thiết”.
Ông Volcker rời cuộc họp đó từ rất sớm và quay trở lại Washington để hoàn thiện những nước đi cuối cùng trong cách tiếp cận chính sách tiền tệ hoàn toàn mới. Một tuần sau, ông chủ trì một cuộc họp ngoài bất thường với Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC). Chiến lược mà ông áp dụng là tạo ra một cú sốc và tâm lý sợ hãi một cách có chủ đích nhằm bẻ gãy tư tưởng lạm phát của người dân.
Chiến thắng không đến nhanh và cái giá phải trả không hề rẻ. Điều này châm ngòi làn sóng biểu tình lớn và tỷ lệ thất nghiệp lập đỉnh mới kể từ cuộc Đại Suy thoái nhưng cũng giúp đặt nền móng cho một giai đoạn yên ả đối với nền kinh tế với tăng trưởng thu nhập ổn định, suy thoái nhẹ nhàng và thị trường chứng khoán liên tục phát triển.
Vockler hiểu rằng các ngân hàng trung ương phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc kiểm soát lạm phát. Và ông đã chuẩn bị kỹ càng trước khi áp dụng các giải biện pháp quyết liệt. Ngày nay, ông Powell cũng luôn khẳng định trách nhiệm của Fed trong cuộc chiến lạm phát, đặt mục tiêu khôi phục ổn định giá cả bằng mọi giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận