FED thông báo loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế chưa từng có
Ngày 23/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ bắt đầu thực hiện một loạt các biện pháp tín dụng chưa từng có tiền lệ dành cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và các chủ sở hữu lao động lớn, đang phải đối mặt với tình trạng cực kỳ khó khăn do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong thông báo mới đưa ra, FED cho biết quyết định trên được đưa ra vì ngân hàng này nhận thấy ngày càng rõ ràng rằng nền kinh tế sẽ đối mặt với những "gián đoạn nghiêm trọng". Trong thông báo, FED khẳng định đây là lúc cần phải đưa ra các biện pháp "mạnh mẽ" nhất, dành cho cả lĩnh vực công và tư, để hạn chế thiệt hại về thu nhập, việc làm và để thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng một khi thời điểm gián đoạn sản xuất dần qua đi.
Ngoài ra, FED cho biết sẽ sớm công bố một chương trình cho vay trực tiếp cho các công ty vừa và nhỏ, vốn chịu tác động mạnh nhất khi nền kinh tế Mỹ bị đẩy tới bờ vực ngừng hoạt động trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Chính phủ Đức đã thống nhất gói ngân sách hỗ trợ kinh tế lên đến 156 tỷ euro (166,5 tỷ USD) để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Khoản bổ sung ngân sách lần này sẽ được huy động từ các khoản nợ công mới với tổng giá trị 122 tỷ euro và một khoản giảm thuế lên tới hơn 33 tỷ euro so với những dự tính trước khi khủng hoảng xảy ra. Hạ viện Đức dự kiến sẽ thông qua gói hỗ trợ này trong ngày 25/3 trước khi được đưa lên Thượng viện vào ngày 27/3. Đây được cho là một động thái mạnh tay của Chính phủ Đức bởi lâu nay Berlin luôn duy trì ngân sách tối thiểu ở mức cân bằng và hạn chế nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz khẳng định bước đi này cho thấy quyết tâm "ngay từ đầu" của chính phủ huy động mọi nguồn lực để giải quyết những tác động về kinh tế và xã hội của đại dịch. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Scholz cho biết đây là khoản bổ sung ngân sách lớn, với rất nhiều biện pháp sẽ được ban hành. Ông cũng khẳng định chính phủ sẽ tăng cường số giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho các bệnh viện trên cả nước.
Bộ trưởng Kinh tế Altmeier cảnh báo cuộc khủng hoảng lần này có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm ở tốc độ ít nhất là tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 khi GDP giảm 5%. Trước khi khủng hoảng xảy ra, chính phủ dự báo nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 1,1% trong năm 2020.
Cũng trong ngày 23/3, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí chuẩn bị một chiến lược chung để vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày, các bên đã xác nhận tác động của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế toàn cầu là "mạnh bạo" đồng thời nhất trí hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển và chuẩn bị một chiến lược chung để thoát khỏi khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận