Fed tăng lãi suất: Tác động tích cực nhiều hơn
Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất lần này đưa ra những tín hiệu tích cực, giảm bớt một chút gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay của NHNN
Đánh giá chung của ông về động thái Fed chỉ tăng 0,25% lãi suất tại cuộc họp vừa qua?
Để kiềm chế lạm phát, kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất nhiều lần, trong đó có 4 lần tăng với biên độ rất lớn là 0,75%, song đây là lần tăng thấp nhất sau lần tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022.
Dù thông điệp mà Fed đưa ra sau cuộc họp này là vẫn có thể còn tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng thái độ thận trọng đó cũng không che khuất được thực tế là “sự hài lòng” của Fed với quá trình chậm lại, giảm đi của lạm phát và thể hiện điều đó khi quyết định chỉ tăng lãi suất 0,25% lần này.
Khi tốc độ tăng lạm phát tại Mỹ chậm lại sẽ có một số tác động đến chúng ta. Thứ nhất, đây là tín hiệu tương đối tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì như vậy Fed và các cơ quan quản lý của Mỹ đang tự tin hơn về việc nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi, đặc biệt về tiêu dùng của người dân Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tốt hơn thì các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi một cách gián tiếp. Với quy mô xuất khẩu hơn 100 tỷ USD vào thị trường này và đặc biệt là một số ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… vốn bị chững lại, suy giảm trong thời gian vừa qua, thì sự phục hồi tiêu dùng của người Mỹ mang lại kỳ vọng các ngành hàng xuất khẩu này sẽ có sự phục hồi tốt hơn trong năm nay.
Thứ hai, giảm bớt áp lực lạm phát “nhập khẩu”. Với sự “ngầm” thừa nhận áp lực lạm phát tại Mỹ đã giảm tốt qua việc Fed chỉ tăng lãi suất 0,25%, thì áp lực từ lạm phát cũng như từ việc Fed có các đợt tăng mạnh lãi suất gần đây đối các thị trường khác trong đó có Việt Nam cũng sẽ giảm đi. Thể hiện là ngay sau khi Fed công bố tăng lãi suất ở mức độ nhẹ thì giá dầu và nhiều mặt hàng hóa cơ bản khác cũng đã giảm giá theo.
Việc giá dầu giảm - dù chỉ là phản ứng tức thời và vẫn có thể tăng trở lại - nhưng theo logic tự nhiên thì về xu hướng sẽ giảm. Khi giá dầu và các hàng hóa cơ bản như nguyên vật liệu đầu vào giảm cũng giúp giảm bớt áp lực lạm phát đối với những nền kinh tế phải nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, kỳ vọng áp lực lạm phát nhập khẩu từ bên ngoài cũng sẽ nhẹ nhàng hơn một chút trong những tháng tới, từ đó giảm bớt áp lực đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cũng sẽ bớt đi.
Thứ ba, áp lực về tỷ giá cũng sẽ giảm đi, không còn quá nặng nề như giai đoạn trước. Ví dụ, những tháng cuối năm 2022, khi Fed liên tiếp tăng lãi suất 0,75% thì áp lực đối với tỷ giá rất nặng nề. Nên việc Fed tăng lãi suất nhẹ lần này - dù đã nằm trong kỳ vọng - cũng vẫn sẽ giúp bớt áp lực về điều hành tỷ giá.
Thứ tư, tạo ra những tác động tích cực tới các thị trường khác cũng như tới tâm lý chung. Rất có thể trong những cuộc họp chính sách của NHTW ở các thị trường lớn khác chỉ trong một vài ngày tới đây, họ cũng sẽ đưa ra các phản ứng tương đồng với Fed (tiếp tục thắt chặt nhưng ở mức nhẹ nhàng hơn so với kỳ vọng trước đây). Khi điều này được duy trì sẽ tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường thế giới.
Với thị trường trong nước, điều quan trọng nhất là những tác động gián tiếp đối với tâm lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu; tâm lý tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như tâm lý chung của các nhà đầu tư. Tâm lý tích cực hơn của thị trường, của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư - trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất định hiện nay - là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết để thị trường phát triển tốt hơn.
Những lần điều chỉnh trước - khi Fed tăng mạnh lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh mà tạo rất nhiều áp lực về tỷ giá, qua đó tác động đến lãi suất trong nước, khiến NHNN phải rất nỗ lực để cân bằng được 2 yếu tố này. Theo ông lần tăng lãi suất này của Fed sẽ tác động thế nào?
Đúng vậy, khi áp lực tỷ giá quá căng thẳng thì buộc NHNN phải đưa ra các sự lựa chọn để ổn định tỷ giá như: 1/Tăng cung ngoại tệ trên thị trường bằng cách bán ra dự trữ ngoại hối, nhưng lựa chọn này thường không phù hợp vì khiến dự trữ giảm nhanh và chỉ nên dùng trong trường hợp khẩn cấp; 2/Buộc phải tăng lãi suất.
Do đó hiện nay, khi áp lực tỷ giá không còn quá lớn thì áp lực buộc phải đưa ra các lựa chọn trên cũng giảm bớt đi. Tất nhiên việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất lần này chưa thể cho thấy hết lộ trình tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng cũng đưa ra những tín hiệu tích cực, giảm bớt một chút gánh nặng trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay của NHNN, đặc biệt là giảm áp lực phải tăng lãi suất hay phải sử dụng tới dự trữ ngoại hối.
Như vậy dư địa cho điều hành, đặc biệt là chính sách tiền tệ đã “dễ thở” hơn so với trước, thưa ông?
Động thái của Fed mới chỉ là tín hiệu ban đầu cho thấy áp lực điều hành chính sách giảm bớt được một chút so với năm ngoái. Vì các yếu tố rủi ro và bối cảnh bên ngoài chưa phải hết bất định và khó khăn. Như tại Mỹ, lạm phát thực tế vẫn còn rất cao so với mục tiêu của Fed và phạm vi lãi suất vẫn đang ở mức rất cao.
Với nền kinh tế nói chung, đây chỉ những tín hiệu tích cực ban đầu, còn phụ thuộc vào diễn biến thực tế tới đây như lạm phát bên ngoài có tiếp tục giảm nhanh hay không? Thời gian tới Fed và các NHTW khác sẽ tiếp tục có các hành động chính sách thế nào?; cầu tiêu dùng của các nền kinh tế đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam có thực sự phục hồi theo đà giảm dần của lạm phát và tốc độ tăng chậm lại của lãi suất không…
Còn về chính sách tiền tệ tôi cho rằng, vẫn cần thận trọng, bám rất sát các diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Ở trong nước, việc điều hành bơm tiền ra thị trường như thế nào trong thời gian tới để phù hợp với diễn biến kinh tế trong và ngoài nước là rất quan trọng.
Kinh tế Việt Nam hiện có độ mở và hòa nhập rất lớn với thế giới trong khi kinh tế thế giới có thể biến động rất nhanh. Mới chỉ cách đây 2 năm, “tiền của” trên thế giới được bơm ra rất nhiều nhưng cũng rất nhanh chóng chỉ trong khoảng 1 năm vừa qua, họ đã thay đổi hoàn toàn các chính sách nới lỏng bằng nhiều biện pháp và thực tế điều này cũng đã gây ra những tác động, áp lực rất lớn đối với hệ thống tài chính - tiền tệ trong nước.
Mặc dù các tín hiệu bên ngoài hiện nay là tích cực và chúng ta kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, nhưng cũng không thể khẳng định, ví dụ trong khoảng thời gian 6 tháng tới, sẽ không có sự đảo chiều trong bối cảnh các bất định vẫn rất nhiều, nhất là xung đột tại khu vực châu Âu có thể phức tạp hơn, các cuộc khủng hoảng năng lượng, hàng hóa, logistics… có thể tái diễn và trực chờ bùng phát. Cho nên dù chúng ta nhìn từ góc độ tích cực, song vẫn phải giữ quan điểm chắc chắn, thận trọng trong điều hành là cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận