Fed tăng lãi suất nghĩa vụ trả nợ, Việt Nam ít bị "tổn thương" nhờ dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD
Việc Fed dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 được đánh giá sẽ ít tác động tiêu cực đến Việt Nam, đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ vì có 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối
Tạm biệt quan điểm lạm phát tạm thời, Fed dự kiến tăng lãi suất, siết chặt chính sách tiền tệ
Từ năm ngoái, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard đã thông báo về đợt tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để chống lại tình trạng lạm phát quá "nóng" tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại phiên điều trần tháng trước, bà Lael Brainard cho hay Fed đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc nâng lãi suất ngay sau khi chương trình mua tài sản của họ kết thúc. Điều này mở ra cơ hội cho việc Fed tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/3.
Trước đó vào tháng 12/2021, Fed đã công bố kế hoạch mua đợt trái phiếu chính phủ cuối cùng vào tháng Hai năm nay, sớm hơn một tháng so với dự kiến.
Với lạm phát trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang mong muốn làm nhiều hơn và sớm hơn nữa. Giới chức của ngân hàng trung ương này dường như đã kiên định với kế hoạch tăng lãi suất vào tháng Ba.
Lạm phát Mỹ chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm
Fed tăng lãi suất và 5 tác động đến nền kinh tế thế giới
Về việc Fed, một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất nhì trên thế giới tăng lãi suất, giới chuyên gia chỉ ra sẽ có ít nhất là 5 tác động đối với nền kinh tế các nước còn lại, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.
Đầu tiên, đồng USD sẽ tăng giá với lý do chính nhờ kinh tế Mỹ phục hồi và lãi suất đồng USD cũng tăng. Điều này khiến đồng nội tệ của các nước (nhất là thị trường mới nổi) mất giá tương ứng, cộng với lạm phát nội tại đang ở mức cao, khiến nhiều ngân hàng trung ương các nước sẽ phải tăng lãi suất. Một số ngân hàng trung ương quốc gia đã thực hiện tăng lãi suất do thông tin từ Fed có thể kể đến như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga…
Thứ hai, Fed tăng lãi suất khiến tăng kỳ vọng về kinh tế thế giới đang phục hồi, kéo thị trường chứng khoán toàn cầu lên, đặc biệt là sự phản ánh ở Mỹ, EU và một số thị trường châu Á đang trên đà tăng điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo có thể đây chỉ là xu hướng tạm thời vì thị trường sẽ có những điều chỉnh khi tâm lý nhà đầu tư về ổn định.
Ảnh: Currency.com
Thứ ba là, do đồng USD tăng. Có thể thấy rằng, các đồng tiền lớn EUR, CAD, AUD... đã liên tục giảm giá do áp lực từ việc giá USD tăng mạnh từ thông tin Fed tăng lãi suất. Dự kiến, xu hướng có thể còn tiếp diễn trong nửa đầu năm tới.
Tiếp theo, lãi suất USD tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia bị tăng lên, nhất là khi bối cảnh vay nợ của nhiều nước đang "nóng" dần trong thời kì đối mặt với khó khăn dịch bệnh vừa qua. Dữ liệu cho thấy nợ công toàn cầu tăng nhanh, từ mức 84% GDP năm 2019 lên 101,6% GDP năm 2020 và 104,8% GDP năm 2021. Nợ doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng nhanh 3 năm qua. Đây là rủi ro nợ mà nhiều nước quan tâm.
Cuối cùng, hiện tượng đảo chiều dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể xảy ra như khi Fed tăng lãi suất vào năm 2013. Dòng tiền sẽ có xu hướng rút ra từ thị trường mới nổi vì đồng tiền nước đó mất giá và quay về thị trường Mỹ, EU… nơi lãi suất tăng lên và cũng là để "tạm thời trú ẩn" rủi ro.
Fed tăng lãi suất ít tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam
Nhận định về việc Fed tăng lãi suất, ông Frederic Neumann - Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, thuộc Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC - cho rằng, dù động thái này có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam có thể sẽ ít bị ảnh hưởng từ lãi suất USD cao, nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.
Lãi suất
Tác động đầu tiên là làm các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, giới chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ước tính rằng lãi suất có thể chỉ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (dự báo CPI năm 2022 là 4%). Giới chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022 - tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra. NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm.
Chứng khoán
Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít biến động từ việc Fed tăng lãi suất do sự tăng vọt những năm gần đây được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp và cách đầu tư khôn ngoan. Dù khối ngoại liên tục bán ròng và chốt lời, nhưng dòng tiền không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới.
Theo báo cáo của VN – Index, 2022 sẽ là một năm rất tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ sau mức tăng 37,3% tính bằng USD (hoặc 35,7% tính bằng VND) của VN – Index (VNI) của năm ngoái. Thị trường sẽ một lần nữa tạo ra các cơ hội dồi dào cho những nhà quản lý quỹ tích cực sẽ vượt trội đáng kể so với chỉ số VN – Index trong 2022 với mức tăng mạnh của VNI năm ngoái phần lớn được thúc đẩy bởi tăng trưởng 30% trong lợi nhuận doanh nghiệp, và các ước tính thị trường chỉ ra rằng tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt hơn 20% vào năm 2022.
Ảnh: Nasdaq
Tỷ giá
Bàn về câu chuyện tỷ giá VND năm 2022, giới chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ ổn định và dao động trong khoảng +-1% dựa trên ít nhất 2 nguyên nhân. Đó là Việt Nam luôn duy trì được trạng thái thặng dư thương mại trong nhiều năm qua và FED dự phóng vẫn sẽ duy trì mức lãi suất dưới 1% trong năm 2022 nên áp lực tỷ giá cho các đối tác thương mại chính, bao gồm Việt Nam, sẽ được giảm bớt phần nào.
Các chuyên gia đánh giá với Việt Nam, tỉ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế nước ta đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5% - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội). Giá trị tiền đồng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng giá khoảng 2% trong năm nay, nhờ vào sự hồi phục trạng thái thặng dư của cán cân thương mại Việt Nam từ mức 1% GDP năm 2021 lên đến 5% GDP trong năm 2022.
Nghĩa vụ trả nợ
Tiếp theo, về tác động tăng gánh nặng nghĩa vụ trả nợ bằng USD, Việt Nam cũng được dự đoán sẽ ít bị tổn thương nhờ Việt Nam đã có mức dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD, cao xấp xỉ 10% hơn mức gợi ý của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đối với dự trữ quốc gia, và nợ được định danh bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam vẫn ở mức dưới 40% GDP. Hơn nữa, khoảng một nửa khoản nợ định danh bằng ngoại tệ của Việt Nam về cơ bản là các khoản vay "mềm" từ những tổ chức cho vay siêu quốc gia (ví dụ, World Bank) với các điều khoản ưu đãi. Do đó, các khoản nợ này không làm tăng tính dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với điều kiện thắt chặt chính sách tiền tệ thế giới.
FDI vào Việt Nam vẫn tăng trong ngắn hạn
Cuối cùng, về việc tác động của động thái tăng lãi suất của Fed lo ngại sẽ làm giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường mới nổi như Việt Nam, giới phân tích cho rằng ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất tới dòng vốn FDI vào Việt Nam không thực sự rõ nét thông qua số dự án và số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng lên trong ngắn hạn.
Thống kê FDI vào Việt Nam 2021. Nguồn: FIA
Giải thích cho điều này, giới phân tích đưa ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc Fed tăng lãi suất thường đã được thị trường dự báo từ sớm trước đó nên các nhà đầu tư đã có những động thái đón đầu, vì vậy rất ít khi xảy ra một diễn biến đột ngột trong việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn.
Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam phần lớn là ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với tỷ trọng đầu tư luôn xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lâu dài nên không thể vì việc lãi suất tăng lên mà doanh nghiệp lại ngừng triển khai dự án đã được nghiên cứu và hoạch định từ lâu để chuyển vốn sang nơi khác đầu tư.
Thứ ba, các nhà đầu tư đến từ châu Á chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (chiếm gần 70% tổng vốn FDI đăng ký năm 2021) sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc Fed tăng lãi suất, mà ngược lại đang được chính sách tiền tệ tại nước họ ủng hộ. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ lại không có tác động tiêu cực và đáng kể do tỷ trọng FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam thấp (chỉ chiếm 3% tổng vốn FDI đăng ký năm 2021).
Có thể thấy rằng, việc ngân hàng trung ương của nền kinh tế hàng đầu thế giới – Fed – quyết định tăng lãi suất đã làm dấy lên nhiều lo ngại về biến động ở phần lớn thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ cùng nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu, triển vọng kinh tế ở Việt Nam trong năm 2022 vẫn rất lớn và được đánh giá sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện tăng lãi suất của đồng USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận