Fed lo ngại rủi ro từ việc giảm lãi suất quá sớm
Biên bản họp chính sách gần nhất của Fed cho thấy hầu hết quan chức đều tỏ ra lo ngại về rủi ro từ việc giảm lãi suất quá sớm hơn là rủi ro từ việc duy trì lãi suất cao trong thời gian quá dài và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo biên bản họp tháng 1/2024, các thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn thấy thêm bằng chứng lạm phát đang hạ nhiệt về mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi hạ lãi suất. Một số quan chức lo ngại tiến triển về lạm phát có thể chững lại. Nhìn chung, biên bản họp lần này củng cố cho kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong tương lai gần.
Các quan chức Fed nhất trí lãi suất nhiều khả năng đang ở đỉnh, nhưng vẫn chưa biết chắc khi nào sẽ hạ lãi suất. Theo đó, biên bản họp cho thấy các quan chức ủng hộ phương án giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (QT) – quá trình để một lượng trái phiếu nhất định đến hạn mà không đầu tư mới. Động thái này cùng với việc giảm lãi suất sẽ khởi đầu quá trình nới lỏng tiền tệ.
“Hầu hết quan chức đều nhấn mạnh tới rủi ro hạ lãi suất quá nhanh và lưu ý tới tầm quan trọng của việc cẩn trọng đánh giá dữ liệu về lạm phát, liệu lạm phát có giảm về 2% một cách bền vững hay không”, trích từ biên bản họp công bố vào ngày 21/02.
Chỉ một vài thành viên Fed đề cập tới rủi ro hạ lãi suất quá trễ. Các thành viên cũng không biết rõ liệu chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ duy trì trong bao lâu nữa.
“Biên bản họp xác nhận rằng Fed khá lưỡng lự trong việc khởi đầu quá trình nới lỏng tiền tệ vì nếu lỡ mọi thứ diễn ra không như ý muốn, họ sẽ phải giảm nhịp độ hạ lãi suất hoặc tệ hơn là nâng lãi suất trở lại”, Derek Tang, Chuyên gia kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics, chia sẻ. “Họ thà giảm lãi suất trễ hơn, ngay cả khi phải tăng tốc giảm lãi suất sau này”.
Kể từ cuộc họp tháng 1/2024, phần lớn dữ liệu kinh tế đều cao hơn dự báo của các chuyên gia, từ đó làm gián đoạn tới quá trình hạ nhiệt nhanh chóng của lạm phát từ cuối năm 2023 và càng củng cố cho cách tiếp cận thận trọng của Fed.
Thị trường lao động vẫn mạnh
Trong tháng 1/2024, nền kinh tế Mỹ tạo thêm nhiều việc làm nhất trong 1 năm và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh hơn dự báo. Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – sẽ tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023. Chỉ số này sẽ được công bố vào tuần tới.
Thị trường đã bớt kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất. Hiện các trader dự báo Fed sẽ hành động vào tháng 6/2024 và chỉ có 3-4 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, khớp với dự báo của Fed đưa ra hồi tháng 12/2023.
Các thành viên Fed sẽ cập nhật dự báo về lãi suất và kinh tế tại cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 19-20/03/2024. Trước cuộc họp này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có cơ hội để chia sẻ suy nghĩ về triển vọng lãi suất khi ông điều trần trước Quốc hội vào đầu tháng 3.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Tại cuộc họp gần nhất, các quan chức Fed nhất trí giữ nguyên lãi suất ở vùng 5.25%-5.5%, nhưng điều chỉnh tuyên bố chính sách rất nhiều. Fed đã loại bỏ cụm từ ám chỉ khả năng thắt chặt chính sách thêm, thay vào đó nói rằng sẽ không giảm lãi suất khi chưa đủ tự tin về lạm phát.
Trước đó, ông Powell cho rằng Fed khó đạt mức độ tự tin cần thiết trước cuộc họp tháng 3/2024. Gần đây hơn, vào ngày 21/02, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết thời điểm giảm lãi suất “chắc chắn không phải là lúc này”.
Chia sẻ tại một sự kiện khác trong ngày 21/02, Thomas Barkin, Chủ tịch Fed khu vực Richmond, cho biết các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy áp lực giá cả ở một số lĩnh vực vẫn còn quá cao.
Theo biên bản họp, một số quan chức cho rằng đã đến lúc thích hợp để giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (tức giảm số dư trên bảng cân đối kế toán). Động thái này sẽ giảm bớt lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà thị trường cần phải hấp thụ, từ đó xoa dịu áp lực thanh khoản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận