menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Fed liệu có thể đẩy lùi lạm phát mà không kéo kinh tế Mỹ vào suy thoái?

Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận cơ quan này đang phải đối mặt với một thử thách lịch sử.

Trong bài phát biểu chưa đầy một tuần sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận cơ quan này đang phải đối mặt với một thử thách lịch sử: kiểm soát mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây mà không “khiến cho thị trường lao động bị ảnh hưởng”, đồng thời kéo tụt tăng trưởng kinh tế.

“Không ai nghĩ rằng việc đạt được kết quả như vậy là điều dễ dàng trong bối cảnh hiện tại”, chủ tịch Fed cảnh báo hồi tháng trước. “Chính sách tiền tệ thường được coi là một công cụ kém hiệu quả, khi không thể đạt được mức độ chính xác cao”.

Ông thậm chí còn chỉ ra một số điểm lạc quan về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể đối chọi lại với môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt, tuy nhiên những chia sẻ của ông lại nhấn mạnh vào mức độ khó khăn của nhiệm vụ phía trước.

Ông Powell cũng có những bình luận xung quanh mức độ thiệt hại gây ra cho nền kinh tế Mỹ bởi những đợt tăng lãi suất.

“Rủi ro suy thoái chắc chắn sẽ tăng lên”, theo Karen Dynan, giáo sư kinh tế học tới từ Đại học Harvard, người từng có thời gian công tác tại ngân hàng trung ương Mỹ. “Nói về vấn đề kiểm soát lạm phát, Fed đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ”.

Trong 6/8 chiến dịch kiểm soát lạm phát kể từ những năm 1970s, khi Fed nâng lãi suất lên hoặc vượt qua ngưỡng “trung lập”, vốn không hỗ trợ cũng như tác động tiêu cực đến tăng trưởng, Mỹ sau đó rơi vào suy thoái, theo nghiên cứu thực hiện bởi Roberto Perli, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu tại Piper Sandler.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp và người tiêu dùng, nền kinh tế Mỹ có xu hướng tăng trưởng chậm lại khi chi phí đi vay cao kéo giảm nhu cầu mua nhà và các sản phẩm giá trị lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng buộc phải cân nhắc lại kế hoạch tuyển dụng.

Mối lo kép đó chính là mức độ ảnh hưởng của vấn đề lạm phát Fed đang phải đối mặt, vốn gia tăng mạnh trong tháng 3 sau khi Nga tấn công Ukraine. Các đợt phong tỏa phòng dịch mới tại Trung Quốc đang gia tăng áp lực nên các chuỗi cung ứng cũng sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao hơn nữa.

“Để đạt được một kết quả sau cùng ít ảnh hưởng nhất là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang xa rời mục tiêu đề ra của Fed và các chính sách cũng khó để có thể đạt được ngưỡng 'trung lập' ở thời điểm hiện tại”, theo Matthew Luzzetti, chuyên gia kinh tế học cấp cao tại Deutsche Bank, người đưa ra dự báo suy thoái vào năm 2023.

Trong phần lớn năm ngoái, Fed tán thành khởi động quá trình siết những hỗ trợ mà họ bơm vào nền kinh tế với dự báo lạm phát sẽ chỉ “mang tính thời điểm” và sẽ giảm theo thời gian. Nhưng khi áp lực giá cả tăng mạnh và lan sang một loạt các lĩnh vực khác, Fed buộc phải thay đổi quan điểm bằng việc trong một vài tháng gần đây liên tục đánh tiếng về một quá trình thắt chặt chính sách mạnh mẽ, điều mà các nhà kinh tế học lo sợ có thể quá mạnh tay.

“Khi bạn chờ quá lâu và thắt chặt một cách quá quyết liệt, sau đó bạn có thể sẽ gây tổn thương cho những người vốn đang bị ảnh hưởng bởi thực trạng giá cả tăng cao”, theo Rick Rieder, giám đốc đầu tư của BlackRock, khi chia sẻ về những hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Fed hiện được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất ít nhất 0,5% trong năm nay như là một phần nỗ lực nhằm đưa mức lãi suất chính sách về gần ngưỡng “trung lập” 2.4% theo tính toán của nhiều quan chức. Cơ quan này cũng sẽ sớm cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỷ USD của mình với tốc độ có thể lên tới 95 tỷ USD mỗi tháng.

Fed liệu có thể đẩy lùi lạm phát mà không kéo kinh tế Mỹ vào suy thoái?
Lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm. Ảnh: FT.

Không phải tất cả các chuyên gia kinh tế đều tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ lâm vào suy thoái. Giống như Powell, nhiều quan chức cấp cao vẫn duy trì quan điểm lạc quan vào khả năng Fed có thể đạt được một kết quả “dễ chịu” đối với nền kinh tế. Lael Brainard, người được nhắm đảm nhận chức vụ phó chủ tịch Fed nhiệm kỳ tới, hôm 12/4 chia sẻ rằng sức mạnh của thị trường lao động, thêm vào đó là “những động lực kinh tế tiềm tàng”, chính là điểm báo cho một kết quả như mong muốn.

Sự dịch chuyển tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ, bên cạnh đó là tác động đang ngày một mờ nhạt của những chính sách hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn đại dịch, cũng được dự báo góp phần hạ nhiệt lạm phát, theo Julia Coronado, một cựu chuyên gia kinh tế của Fed, hiện đang làm việc tại MacroPolicy Perspectives. Bà cho biết ngân hàng trung ương Mỹ “không phải là người quyết định tất cả ở đây”.

Bên cạnh đó, Fed sẽ điều chỉnh chính sách dựa trên những dữ liệu mới nhất, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế. Donald Kohn, người từng đảm nhận vị trí phó chủ tịch Fed trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cho biết ngân hàng trung ương nên thay đổi đôi chút những gì họ làm trong năm 1994, khi cơ quan này cho nâng lãi suất và thành công lèo lái nền kinh tế tránh khỏi những ảnh hưởng lớn.

“Chủ tịch Powell và những thành viên còn lại của Ủy ban giống như các phi công trong buồng lái”, theo Gregory Daco, nhà kinh tế học trưởng tại EY-Parthenon. “Nếu như mũi máy bay chúc xuống đất quá nhiều, họ sẽ nâng nó lên từng chút một thông qua việc giảm tốc độ quá trình siết chính sách hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ”.

Đối với Dennis Lockhart, người từng đảm nhận vị trí chủ tịch Fed Atlanta trong một thập kỷ tính đến năm 2017, một rủi ro thậm chí còn lớn hơn một cuộc khủng hoảng đó chính là các nhà hoạch hoạch định chính sách một lần nữa không thể đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề lạm phát và thắt chặt chính sách quá chậm.

Lockhart cho biết: “Tôi lo lắng nhiều hơn về việc Fed đánh giá thấp tình hình và khiến cho lạm phát kịp len lỏi vào từng ngóc ngách của nền kinh tế, ăn sâu vào tâm lý người dân, gây ảnh hưởng tới giá cả, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu lương thưởng của người lao động”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả