Fecon liệu có lấy lại được phong độ khi giá vốn, lãi vay "bao mòn" lợi nhuận?
Lợi nhuận của Công ty cổ phần FECON suy giảm trong nửa đầu năm, nhưng sự cải thiện trong công tác thu hồi nợ và cơ cấu nguồn vốn cho thấy những dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của công ty này.
Tình hình 6 tháng đầu năm
Công ty cổ phần FECON vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 1.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu thuần, khiến lãi gộp của Công ty trong nửa đầu năm chỉ đạt 194 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của FECON đạt 1,24 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 8 tỷ đồng.
(Kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2022 của FECON)
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chi phí đầu vào tăng đột biến. Cơn bão giá chi phí nguyên liệu (thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu), trong khi các dự án đã ký kết từ năm 2021 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định, dẫn đến giá vốn bị tăng cao so với kế hoạch triển khai ban đầu. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đã bị suy giảm trầm trọng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 56% so với cùng kỳ vì phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay được vốn hóa vào chi phí đầu tư dự án, nhưng 6 tháng đầu năm nay, khoản này được ghi nhận vào chi phí trong kỳ bởi Dự án đã đi vào vận hành thương mại từ cuối tháng 10/2021.
Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%. Như vậy, kết quả kinh doanh sau nửa đầu năm của FECON vẫn còn cách đích rất xa. Tuy nhiên, đặc thù của các nhà thầu xây dựng là ghi nhận doanh thu tăng dần vào các quý sau và ghi nhận doanh thu cao nhất trong
quý IV.
Trong cơ cấu lợi nhuận của FECON năm 2022, dự kiến ghi nhận 109 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết, phần lãi này liên quan đến việc FECON có ý định thoái vốn Dự án điện Vĩnh Hảo 6 hoặc Dự án Quốc Vinh Sóc Trăng.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản cũng dự kiến bắt đầu đem lại doanh thu, lợi nhuận cho FECON từ quý IV năm nay.
Điểm sáng trong báo cáo tài chính của FECON
Điểm sáng trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 của FECON là vấn đề dòng tiền và bức tranh tài chính chung. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 153 tỷ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái (âm 309 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu giảm mạnh, từ gần 593 tỷ đồng (6 tháng năm 2021) xuống còn 191 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022 là 1.688 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 745 tỷ đồng. Đối với hoạt động đầu tư, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm 382 tỷ đồng, giảm 49% so với mức âm 754 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Giữa tháng 7 vừa qua, FECON công bố đã phát hành thành công 150.000 trái phiếu để thu về 150 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đảm bảo nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thi công các dự án điện gió Trà Vinh, Hòa Đông, BT1...
Như vậy, mặc dù việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 còn đối mặt nhiều thách thức, nhưng sự cải thiện trong công tác thu hồi nợ và cơ cấu nguồn vốn - tài sản đã cho thấy những dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của FECON.
Với kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm 2022 sẽ tăng khi giá nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu đạt đỉnh và gói kích thích kinh tế hơn 113.000 tỷ đồng bắt đầu được giải ngân từ tháng 4.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5 thành lập 6 đoàn kiểm tra để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023.
Ngoài ra, việc Việt Nam đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh, đầu tư công sẽ tăng trưởng nhanh trong cả năm 2023 và trở thành động lực chính cho nhu cầu xây dựng cũng như vật liệu xây dựng. Xét về dài hạn, quy mô các gói đầu tư tại các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam là rất lớn, lên tới 32,1 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2030.
Biên lợi nhuận của ngành xây dựng chịu nhiều áp lực bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam là rất lớn; tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.
Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng ở từng phân khúc đều được hưởng lợi như: Nhóm dân dụng gồm Coteccons (HoSE: CTD), Hòa Bình (HoSE: HBC), Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) hay nhóm công nghiệp, hạ tầng như Vinaconex (HoSE: VCG), Đèo Cả (HoSE: HHV), CII (HoSE: CII), Fecon (HoSE: FCN), Tracodi (HoSE: TCD), CIENCO4 (UPCoM: C4G)…
Chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng vào câu chuyện quý III và quý IV của FECON. Có thể sẽ là bước chuyển mình mạnh mẽ và lấy lại phong độ trên đường đua lợi nhuận với các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận