Fecon lần đầu báo lỗ
Doanh thu thuần quý I giảm 13,5% so với cùng kỳ, còn 501,7 tỷ đồng; lỗ sau thuế âm 6,7 tỷ đồng.
Fecon (HoSE:FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 7,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 18 tỷ đồng. EPS âm 45 đồng, trong khi cùng kỳ 143 đồng. Đây là lần đầu tiên Fecon báo lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2012.
Doanh thu bán hàng, xây lắp, và cung cấp dịch vụ giảm 13,5% còn 501,7 tỷ đồng. Giá vốn giảm thấp hơn nên lợi nhuân gộp giảm 16% còn 87,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp 17,5%, trong khi cùng kỳ 18,1%.
3 tháng đầu năm, đơn vị thu về 7,4 tỷ đồng lãi bán khoản đầu tư, làm cho doanh thu tài chính tăng 94,7% lên 10,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gần 60% do phí lãi vay và thuê tài chính tăng từ 28,6 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, với mức lần lượt là 6% và 2,5%.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm từ 27,8 tỷ đồng còn 64,6 triệu đồng. Lợi nhuận từ hoạt động khác âm 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gấp đôi, ở mức gần âm 2,5 tỷ đồng.
Kết quả, lỗ sau thuế quý I là 6,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 lãi 17,4 tỷ đồng. Đại diện đơn vị cho biết, sự sụt giảm lợi nhuận này đến từ việc doanh thu và lợi nhuận gộp trong kỳ giảm bởi tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Bên cạnh đó, đơn vị phát sinh chi phí lãi vay của công ty thành viên Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10 năm ngoái.
Năm nay, Fecon đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, doanh thu đạt 10% mục tiêu.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản giảm gần 5%, còn 7.135 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 67%, tương đương 4.782 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Các khoản phải thu chiếm hơn một nửa tổng tài sản ngắn hạn, giảm 13,7% còn 2.433,7 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 2.057,5 tỷ đồng còn 1.681,3 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với 79%, tương đương 1.858,3 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn giảm 14% còn 250,9 tỷ đồng sau khi đơn vị giảm đầu tư góp vốn vào đơn vị khác từ 102,1 tỷ đồng còn 60,8 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ vay tài chính đi ngang ở mức 2.390 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.289,9 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn là 1.100,1 tỷ đồng. Xét nợ ngắn hạn, khoản người mua trả tiền trước tăng 29% lên 456,8 tỷ đồng.
Vốn đầu tư chủ sở hữu 1.574,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 210,8 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 336,4 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần 517,6 tỷ đồng.
Về chiến lược kinh doanh năm nay, Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, đơn vị sẽ đẩy mạnh hoạt động thi công xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, đặc biệt là những công trình có kết cấu đặc biệt để có thể phát huy được năng lực của công ty. Với uy tín của Fecon trên thị trường thì công ty cũng sẽ đầu tư vào các dự án như năng lượng tái tạo, các khu công nghiệp và các khu đô thị vệ tinh của các thành phố lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận