FBI vào cuộc điều tra vụ vi mạch điện tử Mỹ xuất hiện trong vũ khí Nga ở Ukraine
Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra thông tin vi mạch điện tử do Mỹ sản xuất được tìm thấy trong vũ khí Nga ở Ukraine.
Theo nguồn tin của tờ Washington Post, nhân viên chính phủ Mỹ đã đến các công ty và tìm hiểu về việc vì sao vi mạch điện tử cùng các bộ phận khác do Mỹ sản xuất lại xuất hiện trong radar, máy bay không người lái, xe tăng, hệ thống điều khiển mặt đất và các hệ thống vũ khí của Nga.
Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Chỉ vì một vi mạch của một công ty được tìm thấy trong vũ khí Nga không có nghĩa là chúng tôi sẽ mở một cuộc điều tra về công ty đó. Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng lần theo dấu vết và tìm hiểu vì sao các thiết bị này lại được sử dụng trong hệ thống vũ khí Nga.”
Luật sư của một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nói với Washington Post rằng các nhà điều tra đang giăng ra một “mạng lưới rộng lớn”, và tìm hiểu xem liệu các công ty công nghệ có bán sản phẩm của họ cho một danh sách các công ty cụ thể, bao gồm cả những người trung gian có thể đã tham gia vào chuỗi cung ứng hay không.
Sau khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã cấm bán vi mạch điện tử cho các công ty quốc phòng Nga và áp đặt lệnh hạn chế đối với việc giao hàng cho những người mua khác từ nước này.
Trước đó, vi mạch cơ bản có thể được bán cho người mua từ Nga mà không bị hạn chế, trong khi những sản phẩm phức tạp hơn thì buộc đơn vị xuất khẩu phải có giấy phép đặc biệt của chính phủ Mỹ.
Cuộc điều tra liên bang được tiến hành sau khi phía Ukraine tiết lộ thông tin cho rằng vi mạch do phương Tây (bao gồm cả Mỹ) sản xuất đã được tìm thấy trong khí tài quân sự của Nga ở Ukraine.
Cụ thể, ít nhất 8 vi mạch Mỹ đã được tìm thấy bên trong hệ thống phòng không Barnaul-T của Nga. Số chip này được cho là sản xuất bởi các công ty công nghệ Mỹ như Intel, Micrel, Micron Technology và Atmel Corp.
Trong hệ thống phòng không Pantsir, quân đội Ukraine đã tìm thấy ít nhất 5 vi mạch Mỹ từ các nhà sản xuất AMD, Rochester Electronics, Texas Instruments và Linear Technology.
Khi phân tích tên lửa hành trình Kh-101, Ukraine tìm ra ít nhất 35 chip có nguồn gốc từ Mỹ. Còn khi “mổ xẻ” hệ thống điện quang của trực thăng “Cá sấu” Ka-52, ít nhất 22 vi mạch do các công ty Texas Instruments, Altera USA và Micron Technology đã được phát hiện.
Một số con chip được sản xuất trước năm 2014, nhưng cũng có những con chip dường như mới hơn, ra đời vào cuối năm 2020.
Hầu hết các công ty trên đều nói rằng họ không còn hợp tác kinh doanh với Mátxcơva, trong khi những công ty khác bác bỏ thông tin của tình báo Ukraine.
Nguồn gốc của các vi mạch được tìm thấy trong các vũ khí Nga hiện chưa được xác định. Nhưng những con chip này không nhất thiết phải có nguồn gốc trực tiếp từ các nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có một thị trường rộng lớn (và phần lớn không được kiểm soát) đối với chip tái chế, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Ngoài vi mạch, có thông tin cho rằng Nga đang sử dụng vũ khí của Pháp, Đức, và một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác trong chiến dịch ở Ukraine.
Ít nhất 10 quốc gia EU được cho là đã cung cấp số thiết bị quân sự trị giá 346 triệu Euro cho Mátxcơva bất chấp lệnh cấm vận chuyển động cơ và vũ khí (được ban hành sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận