Facebook xác nhận đang bị chính phủ điều tra
Facebook vừa thông báo đến các cổ đông rằng doanh nghiệp đang đối mặt với các cuộc điều tra chính phủ liên quan tới hàng chục ngàn trang tài liệu nội bộ do cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ.
"Bắt đầu từ tháng 9/2021, chúng tôi đã trở thành đối tượng điều tra của chính phủ liên quan đến những cáo buộc và các tài liệu công ty do một cựu nhân viên đưa ra, bao gồm các thuật toán của chúng tôi, hoạt động quảng cáo và số liệu người dùng, các quy tắc triển khai thực hiện nội dung, cũng như thông tin sai lệch và những rắc rối đối với nền tảng của chúng tôi, và sự hài lòng của người dùng", Facebook nêu trong báo cáo lợi nhuận hàng quý nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC).
Báo cáo của Facebook không đề cập cụ thể các cuộc điều tra và yêu cầu từ phía chính phủ có liên quan đến nội dung điều trần tại Thượng viện Mỹ và Quốc hội Anh, hay là những cuộc điều tra chưa được xác nhận từ các cơ quan liên bang tại Mỹ và các chính phủ khác.
Facebook từ chối cung cấp thông tin cụ thể về các cuộc điều tra chính phủ nói trên. "Chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của cơ quan chức năng và sẽ tiếp tục hợp tác trong các cuộc điều tra", Giám đốc truyền thông chính sách Facebook, ông Andy Stone cho biết.
Còn người phát ngôn Facebook, bà Genevieve Grdina cho biết rằng tối 26/10, Facebook ra thông báo bắt buộc các nhân viên của họ không được hủy các tài liệu nội bộ và tài liệu truyền thông. "Việc bắt buộc lưu giữ tài liệu là một phần trong quy trình đáp ứng các yêu cầu của các cuộc điều tra pháp lý", bà Genevieve Grdina lý giải.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã bắt đầu nhắm vào các tài liệu tố cáo được bà Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook tung ra.
Theo đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang xem xét xem liệu Facebook có vi phạm việc tuân thủ án phạt 5 tỷ USD mà cơ quan này đã tuyên bố năm 2019 do vi phạm quyền dữ liệu riêng tư.
Juliana Gruenwald, một quan chức của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, đã từ chối bình luận về cuộc điều tra trên. Vị này cho biết: "Các cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ không được công khai nên chúng tôi thường không bình luận về các nội dung đang điều tra".
Bà Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, đã rời doanh nghiệp này vào tháng 5/2021. Bà Frances Haugen đã cung cấp các tài liệu làm bằng chứng tố cáo lên Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ rằng Facebook đã lừa dối nhà đầu tư và công chúng về các vấn đề xuất hiện trong nội bộ công ty này. Cựu giám đốc sản phẩm của Facebook cũng đã cung cấp các bản tổng hợp tài liệu cho Quốc hội Mỹ.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về việc điều tra Facebook dựa trên những cáo buộc của bà Frances Haugen và những tài liệu do nguồn khác tiết lộ.
Vụ rò rỉ hàng chục ngàn trang tài liệu nội bộ đã mang đến cái nhìn rõ nhất về những vấn đề gai nổi cộm của Facebook cũng như cách thức mà doanh nghiệp trị giá 890 tỷ USD này thảo luận và giải quyết các vấn đề trong nội bộ.
Cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook cáo buộc "gã khổng lồ" mạng xã hội này đã kích động sự thù hận và chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng, ngó lơ bảo vệ trẻ em trước các nội dung độc hại và không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm khắc phục các vấn đề này. Bà Frances Haugen cho biết thêm, bằng các thuật toán của mình, Facebook đã ưu tiên đăng tải các thông tin tiêu cực, đồng thời biến các hội nhóm trên mạng xã hội này trở thành môi trường dung dưỡng sự thù hận, trong khi họ hoàn toàn có thể bố trí thêm nhân lực để kiểm duyệt, ngăn chặn các hội nhóm cực đoan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận