24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Facebook, Google, TikTok đã nộp thuế ở Việt Nam

Hiện có 42 nhà cung cấp dịch vụ từ nhiều quốc gia đăng ký, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, trong đó có 6 "ông lớn" đã nộp tổng số tiền thuế gần 1.900 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế vừa có báo cáo tình hình triển khai Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) trực tuyến dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Trong năm 2020 với 53% dân số mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Trong khi đó, theo báo cáo TMĐT Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain&Company, năm 2020 cũng chứng kiến sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực, cụ thể lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025; trong năm 2021 với 70,7% dân số mua sắm trực tuyến, thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng 53%, đạt 21 tỷ USD (giá trị nền kinh tế Internet xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á).

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN), tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT để các DN có khả năng chống chọi với dịch bệnh Covid-19 đang là nhóm giải pháp được ưu tiên triển khai từ quý IV/2020.

Theo cơ quan thuế, Việt Nam là một trong bốn nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với NCCNN thông qua một Cổng TTĐT. Đây là một bước chuyển quan trọng khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Sau hơn 8 tháng triển khai Cổng TTĐT dành cho NCCNN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Úc …

Tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng trong đó: gần 1.900 tỷ đồng các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua cổng TTĐT dành cho NCCNN và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (trong đó Facebook là 1.748 tỷ đồng, Google là 979 tỷ đồng).

Trong đó, 6 NCCNN lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Tạo điều kiện tối đa để NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam

Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Bằng Thắng cho biết, tại Điểm 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 đã quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; nghĩa vụ của DN nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam. Do đó, để quản lý tốt đối với NCCNN, yêu cầu đặt ra là phải có các biện pháp, giải pháp, công cụ quản lý thuế hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, tiệm cận và từng bước hội nhập được với quản lý thuế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC về kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Đây là căn cứ để thực hiện hiện đại hoá công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, theo đó, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế xây dựng Cổng TTĐT thuộc Tổng cục Thuế để các NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Đây là công cụ quản lý thuế theo hướng hiện đại hóa áp dụng công nghệ và nâng cao tính tuân thủ của NCCNN.

Theo Cục trưởng Nguyễn Bằng Thắng, triển khai Quyết định số 2146/QĐ-BTC, năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng TTĐT dành cho NCCNN thêm một lần khẳng định quyết tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế Việt Nam nói riêng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa nền tài chính quốc gia, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính và của quốc gia.

Việc ngành Thuế triển khai Cổng thông tin dành riêng cho NCCNN đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế, tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan.

Cục trưởng Nguyễn Bằng Thắng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với các bộ, ngành trong việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động TMĐT, trong đó ngày 1/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 889/CĐ-TTg chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, theo đó các bộ, ngành phải thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu đối với TMĐT; áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.

“Như vậy, công tác quản lý thuế đối với NCCNN về TMĐT không chỉ riêng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế mà đã được cả hệ thống chính trị Quốc hội, Chính phủ vào cuộc. Đây là sức mạnh tổng hợp để Việt Nam có thể thành công trong thời gian tới đối với công tác quản lý TMĐT khi quy mô thị trường TMĐT ngày càng tăng trưởng. Đồng thời cũng khẳng định quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số”, Cục trưởng Nguyễn Bằng Thắng nhấn mạnh.

Giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với NCCNN

Quản lý DN nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng quản lý thu thuế mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của NCCNN.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý để quy định và hướng dẫn tuân thủ, trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2022, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn luật Quản lý thuế đối với việc đăng ký, kê khai, nộp thuế của NCCNN trực tiếp hoặc uỷ quyền với cơ quan thuế trực tiếp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các nghĩa vụ của NCCNN vào NSNN.

Thứ hai, xây dựng CSDL lớn (Big data) phục vụ cho việc phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro, xây dựng và triển khai hệ thống CNTT đáp ứng các nội dung công việc về thu thập dữ liệu từ nguồn internet, xác định danh tính người bán, người mua hàng. Áp dụng CNTT trong phân tích, xử lý thông tin và quản lý theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó tạo điều kiện cho cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động, giao dịch của hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu thuế đối với NCCNN, đảm bảo mục tiêu trên nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương có liên quan và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát và hỗ trợ người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế; đảm bảo môi trường thuận lợi, khuyến khích sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra để quản lý thuế đối với NCNNN, nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình tuân thủ của người nộp thuế phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT, dịch vụ kỹ thuật số trên cơ sở phân loại NNT theo hành vi tuân thủ, thực hiện phân tích, đánh giá lựa chọn NNT được thanh tra, kiểm tra thuế áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và lập kế hoạch triển khai chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số. Đồng thời có tính chất răn đe, xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật thuế đối với hoạt động TMĐT của người nộp thuế.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, để tạo điều kiện thuận lợi nhất các NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Trong dài hạn, sẽ khuyến khích các NCCNN khai thuế qua đại lý thuế, từ đó sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NCCNN thông qua hồ sơ và tài liệu tại đại lý thuế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với lĩnh vực TMĐT, dịch vụ kỹ thuật số sẽ được tiến hành chủ yếu tại trụ sở cơ quan thuế thông qua đối chiếu dữ liệu từ sàn giao dịch, dữ liệu thanh toán của ngân hàng và dữ liệu do NNT kê khai.

Thứ sáu, với tính chất phức tạp, thay đổi liên tục của lĩnh vực TMĐT, Tổng cục Thuế đã tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và phối hợp nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các Hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý thuế của đất nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả