24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quan Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Ế’ hơn 7.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội

Đến nay, dư nợ cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đạt 10.729 tỷ đồng với 29.577 khách hàng còn nợ.

Dư hơn 7.000 tỷ đồng

Phát biểu tại hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/3, ông Huỳnh Văn Thuận - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho biết, ngân hàng này cho 5 nhóm đối tượng mua, thuê mua và xây mới, cải tạo nhà ở xã hội. Đến nay, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đạt 10.729 tỷ đồng với 29.577 khách hàng còn nợ.

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là khoảng 11.000 tỷ đồng.

“Tôi khẳng định về nguồn vốn để cho vay chương trình này trong hai năm 2022 và 2023 là không thiếu. Đến nay, danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, còn dư hơn 7.000 tỷ đồng”, ông Thuận nói.

‘Ế’ hơn 7.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội ảnh 1

Khu nhà ở xã hội MR1 ở quận 7, dù đã khởi công 1 năm nhưng đang làm bãi giữ xe vì chưa đủ pháp lý để xây dựng.

Lý giải tình trạng “ế” vốn này, ông Thuận cho hay có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.

Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn. Cuối cùng là chủ đầu tư một số dự án nhà ở xã hội đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam thì không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.

Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Trí - Thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng lo nhất là pháp lý của dự án. Nếu pháp lý dự án đảm bảo, năng lực doanh nghiệp tốt thì ngân hàng sẵn sàng cho vay để làm dự án nhà ở xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng trong góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Xong đề án 1 triệu căn nhà trong tháng 3

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Theo ông, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.

Để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Hưng, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Trong đó, về việc quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.

‘Ế’ hơn 7.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội ảnh 2

Khu đất xây dựng nhà ở xã hội của Công ty Nguyên Sơn ở Bình Chánh khởi công năm 2022 nhưng chỉ mới ép cọc xong rồi để đó.

Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3/2023 để có sở thực hiện. Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn, ông Hà Quang Hưng xác nhận, trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Thực tế sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.

“Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ cũng đề xuất lên cấp cao hơn. Nếu Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở”, ông Hưng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả