Đường sắt Việt Nam: Làm sao để thoát "mác" lạc hậu, trì trệ?
Theo Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh, sự bất cân đối nguồn lực đầu tư đường sắt với các ngành giao thông khác đã dần đẩy loại hình vận tải lâu đời này vào thế chân tường.
Ngành đường sắt bị đẩy vào "thế chân tường"
Trải qua 140 năm hình thành và phát triển, Đường sắt Việt Nam đã khẳng định vị thế của một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước. Tuy nhiên, khi sự phát triển của đường bộ và đường hàng không khá mạnh thì hệ thống đường sắt vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, chưa có sự quan tâm thích đáng.
Thực tế cho thấy, nhiều hệ thống hạ tầng đường sắt không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang an toàn giao thông. Theo đó, việc vận tải hành khách và hàng hóa của đường sắt vốn đã đìu hiu, nay lại sụt giảm mạnh do đại dịch Covid, ngành đường sắt đang lâm vào tình thế chật vật để tồn tại.
Đường sắt tụt hậu cũng là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước. Điều này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp về chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: Hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.
Chính vì các lý do trên, buổi tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng ngày 25/3 đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia giao thông...
Trao đổi tại tọa đàm, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nhận định: "Sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải nước ta không đồng đều và chưa hợp lý. Chính phủ chưa thực sự quyết liệt trong việc đầu tư phát triển cho ngành đường sắt". Thực tế cho thấy các nền tảng công nghệ trong ngành đã lạc hậu, nếu không cải tạo nâng cấp thì không thể đáp ứng được sự phát triển kinh tế nói chung và sự phát triển giao thông vận tải đường sắt nói riêng.
Nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của đường sắt Việt Nam hiện nay một mặt là do công nghệ quá lạc hậu, nhưng mặt khác là do đường sắt Việt Nam không được kết nối với các phương thức vận tải khác để khai thác các lợi thế của đường sắt, hơn nữa các ga đường sắt quốc gia hiện cũng chưa có sự kết nối với các bến xe, xe buýt, các tuyến đường gom… làm cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách kém hấp dẫn, chi phí cao, gây lãng phí, bất tiện với hành khách đến với đường sắt.
Chính vì chưa có chiến lược dài hạn và hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc ngành đường sắt ngày càng mất thị phần, không cạnh tranh được với các loại hình giao thông khác. Trong khi đó, các ngành vận tải khác lại được đầu tư rất lớn với nhiều nguồn lực đa dạng, từ ngân sách, các nguồn ODA và xã hội hóa. Sự bất cân đối đó đã đẩy đường sắt lún sâu vào thế chân tường. Có thể nói hiện nay ngành đường sắt đã tụt hậu quá xa so với đường bộ, đường hàng không.
Cần tập trung đầu tư cho hạ tầng đường sắt
Trước thực trang đó, ông Vũ Anh Minh cho rằng cần nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp tạo áp lực thay đổi và phát triển, đặc biệt cần xác định rõ vai trò của từng ngành trong giao thông vận tải. Vai trò của đường sắt là vận tải hàng hoá và hành khách tuyến dài, do đó cần có cơ chế để phân phối nguồn lực, cân đối nguồn vốn phù hợp và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt. Cụ thể, nhà nước cần cân đối nguồn vốn, tập trung đầu tư vào những ngành chưa thu hút như đường sắt.
Ông Lê Hồng, chuyên viên cao cấp của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự quan ngại đối với việc xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại tại Việt Nam: “Nếu thực hiện xây dựng đường bộ chỉ cần khoảng 10-20km, thì việc xây dựng đường sắt cần ít nhất 100-150 km. Bởi vậy việc xây dựng đường sắt đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn từ Nhà nước. Với sự phát triển về kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây thì việc xem xét việc đầu tư ngành đường sắt là vô cùng cấp bách và cần thiết”.
Cũng tại buổi toạ đàm, ông Đặng Quyết Tiến -Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần có kế hoạch kết nối đồng bộ việc quy hoạch đường sắt và các loại hình giao thông khác.
Theo các chuyên gia giao thông, trong thời gian tới, cần sớm nghiên cứu và trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội cho chủ trương đầu tư bởi một đất nước phát triển không thể thiếu đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao là vấn đề cần thiết, bởi thực hiện càng trì trệ thì ngành đường sắt càng chậm phát triển.
Bàn luận về các vấn đề đặt ra khi làm đường sắt tốc độ cao, ông Lê Hồng cho biết nhà nước cần có khoản vốn dành cho việc nghiên cứu chế tạo đầu máy hệ thống tín hiệu điều khiển đường cao tốc. Điều quan trọng nhất là phải huy động tối đa nguồn nhân lực để Việt Nam có thể tự nghiên cứu chế tạo được thiết bị cần thiết mà không phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận