Đường Quảng Ngãi (QNS): Mảng sữa dần hồi phục, giá đường dự kiến neo cao
Kết thúc quý 2 vừa qua, mảng sữa đậu nành của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) đã ghi nhận các tín hiệu phục hồi đầu tiên và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm.
Giá đường trong nước dự kiến neo cao
Sau một năm 2023 bùng nổ, kết quả kinh doanh quý 2/2024 của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) có phần kém sắc hơn, trong đó doanh thu thuần đạt 2.820 tỷ đồng và lãi ròng đạt 960 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,5% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ 2% so với quý 2/2023. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp vẫn được duy trì ở mức tương đối tốt so với lịch sử hoạt động.
Mặc dù kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Đường Quảng Ngãi vẫn ghi nhận 1.222 tỷ đồng lãi ròng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành tới 90% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét theo cơ cấu các mảng kinh doanh chính, mảng đường của Đường Quảng Ngãi đã “hạ nhiệt” khi doanh thu quý 2/2024 giảm tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.060 tỷ đồng.
Xu hướng giá đường trắng thế giới và giá đường của Đường Quảng Ngãi kể từ tháng 7/2022 đến nay.
Nhìn chung, kể từ đầu năm nay, mặc dù giá đường thế giới đã đi vào xu hướng giảm, giá đường trong nước không bị tác động nhiều bởi giá thế giới. Trong quý 2/2024, giá đường RS tại Nhà máy Đường An Khê của Đường Quảng Ngãi tiếp tục đi ngang, dao động quanh mốc 20.000 đồng/kg. Sự suy giảm doanh thu mảng đường trong quý 2/2024 chủ yếu đến từ hiệu ứng mức nền cao trong quý 2/2023.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán DSC, so với giai đoạn 2020 - 2022 thì kết quả kinh doanh mảng đường của Đường Quảng Ngãi trong nửa đầu năm nay vẫn ở mức “khá tốt” nhờ việc nâng công suất nhà máy đường và mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía.
Đồng thời, Chứng khoán DSC nhận định giá đường nước sẽ chỉ giảm nhẹ hoặc đi ngang trong năm nay do một số nhà máy đường ngưng sản xuất khiến nguồn cung giảm nhẹ, tỷ giá ở mức cao khiến giá đường nhập khẩu qua đường chính và tiểu ngạch đều cao, từ đó giảm bớt nguồn đường nhập khẩu cũng như sức cạnh tranh với đường nội địa.
Mảng sữa cho tín hiệu hồi phục
Trong khi đó, mảng sữa đậu nành thương hiệu Vinasoy và Fami của Đường Quảng Ngãi đã ghi nhận những tín hiệu hồi phục đầu tiên trong quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.185 tỷ đồng, tăng 2% so với quý 2/2023 và tăng tới 50% so với quý 1/2024.
Kể từ quý 1/2023, đây là quý đầu tiên mảng sữa của Đường Quảng Ngãi đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhờ sức mua cải thiện.
Trong giai đoạn vừa qua, sức tiêu thụ còn yếu trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn đã khiến nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa nói chung suy yếu. Tuy vậy, Đường Quảng Ngãi vẫn duy trì khá tốt thị phần, trong đó thị phần sữa đậu nành trong năm 2023 tăng lên mức 88,6% và sữa uống liền đạt 16,1% (theo dữ liệu của AC Nielsen).
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi từ đầu năm 2024 đến nay.
Trong quý 2/2024, sức tiêu thụ đã có tín hiệu cải thiện khi tăng trưởng chung của nhóm ngành FMCG đạt mức dương 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành sữa cũng thu hẹp mức giảm còn âm 1,8%, so với mức âm 2,8% trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng sữa trong quý 2/2024 của Đường Quảng Ngãi đã giảm xuống mức 38% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhẹ trong tháng 5/2024. Mặc dù giá đậu nành đã hạ nhiệt trong thời gian còn lại của quý 2/2024, tỷ giá đồng USD lại neo cao khiến Đường Quảng Ngãi không được hưởng lợi nhiều.
Sức tiêu thụ sữa được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt hơn trong các quý tiếp theo trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi trở lại, cùng với đó là việc giảm thuế VAT được kéo dài đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ sức mua.
Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi dự định ra mắt 2 dòng sản phẩm mới từ sữa các loại hạt (không phải đậu nành).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận