24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Đường đua” tiền tệ số nhìn từ Olympic Bắc Kinh 2022

Kinhtedothi - Khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ra mắt quốc tế và được ứng dụng rộng rãi tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, các quốc gia có tham vọng phát triển tiền ảo có kiểm soát được dự báo sẽ bước vào một đường đua vô cùng sôi động nhưng cũng không ít thách thức.

Thế vận hội thành cơ hội

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, được gọi là e-CNY, cho các vận động viên và khách tham quan trong Olympic Bắc Kinh 2022, khai mạc hôm 4/2 vừa qua. Khách tham dự Thế vận hội có thể tải xuống điện thoại thông minh của họ ứng dụng ví nhân dân tệ kỹ thuật số hoặc lưu trữ tiền kỹ thuật số trên một thẻ vật lý. Họ cũng có thể được cấp dây đeo tay và vuốt nó để thực hiện giao dịch e-CNY. Đây cũng là hình thức duy nhất hỗ trợ thanh toán không tiếp xúc tại Thế vận hội lần này cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

“Đường đua” tiền tệ số nhìn từ Olympic Bắc Kinh 2022
Một máy tự động đổi Nhân dân tệ kỹ thuật số dành cho các vận động viên tại Omlypic Bắc Kinh 2022. Ảnh: DW

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã bắt đầu được biết đến trong nước kể từ năm 2014, khi PBoC - ngân hàng trung ương của Trung Quốc - thành lập một nhóm nghiên cứu để nghiên cứu các loại tiền kỹ thuật số. Đó là khoảng thời gian đồng Bitcoin đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, với giá của nó lần đầu tiên tăng trên 1.000 USD. Tính đến cuối năm 2021, hơn 260 triệu người đã có tài khoản e-CNY và tổng giao dịch Nhân dân tệ kỹ thuật số đạt gần 90 tỷ Nhân dân tệ (14 tỷ USD).

Đồng e-CNY ra mắt quốc tế cho người dùng toàn cầu trong Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sau hơn một năm chạy thử nghiệm ở khoảng một chục khu vực trên khắp đất nước. PBoC, cũng là đối tác chính thức của Olympic Bắc Kinh 2022, đã tăng cường thử nghiệm e-CNY vào tháng trước bằng cách tung ra phiên bản thử nghiệm của ứng dụng ví nhân dân tệ kỹ thuật số trên các cửa hàng ứng dụng của iOS và Android.

Để giúp khách nước ngoài dễ dàng trải nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mới mẻ ngay trong Thế vận hội lần này, các nhà chức trách Trung Quốc đã tối ưu hóa quy trình và du khách có thể mở ví nhân dân tệ kỹ thuật số mà không cần tài khoản ngân hàng trong nước. Công dân nước ngoài chỉ cần tải ứng dụng ví kỹ thuật số xuống điện thoại thông minh của họ và vượt qua quy trình xác minh bằng số điện thoại di động ở nước ngoài để mở ví. Ví có giới hạn số dư không quá 10.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD).

Global Times dẫn lời ông Cao Yin - Giám đốc điều hành của Tổ chức Phục hưng Kỹ thuật số có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, Olympic Bắc Kinh sẽ là một cơ hội tốt để du khách nước ngoài làm quen với đồng e-CNY, đồng thời giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước thuận tiện hơn trong việc thanh toán.

“Việc thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số với du khách nước ngoài có thể giúp giải quyết vấn đề đổi tiền khi họ đến Trung Quốc. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trải nghiệm du lịch của người nước ngoài đến Trung Quốc sau khi biên giới mở cửa trở lại” - ông Cao nói và bày tỏ hy vọng rằng hạn ngạch cho sàn giao dịch sẽ dần được nới lỏng trong tương lai.

Sự phát triển của đồng e-CNY còn được lên kịch bản để vượt khỏi biên giới. Ví dụ, du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể sử dụng phương thức thanh toán để tiêu dùng ở nước ngoài. Cũng theo ông Cao, các quốc gia đối tác của Sáng kiến Vành đai - Con đường có thể sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong thương mại và đầu tư.

Đường đua sôi động và các rào cản

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc là một dạng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) - một hình thức đang được phát triển bởi nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu khi các loại tiền điện tử không được kiểm soát đang gây bão thị trường tài chính. Mặc dù Bắc Kinh dường như đang dẫn trước so với các đồng nghiệp toàn cầu trong việc phát triển một loại tiền điện tử có chủ quyền, nhưng nhiều chính phủ khác cũng cho thấy sự năng động không kém.

Tháng 10 năm ngoái, Nigeria trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên ra mắt đồng tiền kỹ thuật số, có tên gọi là eNaira. Đồng tiền ảo này sử dụng công nghệ blockchain tương tự như Bitcoin. Nhưng không giống như các loại tiền điện tử không kiểm soát khác trên thị trường, eNaira được phát hành và hỗ trợ bởi Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN), nghĩa là các giao dịch eNaira về nguyên tắc hoàn toàn có thể theo dõi được. Nigeria kỳ vọng tiền kỹ thuật số sẽ tăng cường bao quát tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho kiều hối, khi nước này vốn là điểm đến chuyển tiền nổi bật ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Một cuộc khảo sát năm 2021 đối với 65 ngân hàng trung ương của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy, 86% trong số này đang phát triển một loại tiền kỹ thuật số. Khoảng 14% ngân hàng cho biết họ đang chạy các dự án thử nghiệm, trong khi 60% đang thử nghiệm ở giai đoạn tiền đề. Deutsche Bank dự báo rằng các ngân hàng trung ương đại diện cho khoảng 1/5 dân số thế giới có khả năng phát hành CBDC trong 2 - 3 năm tới.

Hầu hết các ngân hàng trung ương đang khám phá khả năng bán lẻ tiền tệ kỹ thuật số, có thể được sử dụng bởi công dân hoặc DN. Một số ít, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng đang nghiên cứu các dự án CBDC bán buôn cho các giao dịch liên ngân hàng. ECB đã khởi động một dự án đồng euro kỹ thuật số vào tháng 7/2021, hiện đang trong giai đoạn kiểm định kéo dài 2 năm để nghiên cứu thiết kế, tính khả thi và tác động của đồng euro kỹ thuật số đối với thị trường.

“Các nền kinh tế tiên tiến phải vượt qua ít nhất hai rào cản để người dân chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số: Lãi suất thấp hơn và các tiêu chuẩn văn hóa/quyền riêng tư” - nhà phân tích Marion Laboure của Deutsche Bank, giải thích - “Bởi vì các tài khoản tiền gửi hiện đang trả lãi suất thấp, do đó một CBDC có khả năng làm gián đoạn hệ thống ngân hàng khi mọi người có thể thích giữ tiền của họ trực tiếp tại ngân hàng trung ương. Rõ ràng, điều này sẽ phá vỡ các nhượng quyền ngân hàng kế thừa và ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính”.

Phát hành tiền tệ truyền thống liên quan đến việc một ngân hàng trung ương phát hành tiền thông qua các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp tiền số, hầu hết các ngân hàng trung ương đang làm quen với một hình thức phức hợp: Kết hợp giữa phát hành 2 cấp truyền thống và phát hành 1 cấp - liên quan đến việc ngân hàng trung ương trực tiếp phát hành tiền cho người dùng. Các ngân hàng trung ương hầu như phải thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tác động của đồng tiền số của mình đối với các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, CBN đã đặt giới hạn số dư và giao dịch hàng ngày đối với việc chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang ví eNaira.

Mỹ, cường quốc đang tỏ ra tụt hậu trong cuộc đua tiền tệ kỹ thuật số, vẫn đang tranh cãi về việc có nên áp dụng đồng USD kỹ thuật số hay không. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát hành báo cáo được chờ đợi từ lâu về tiền tệ số hồi tháng trước, trong đó chỉ ra những ưu và nhược điểm của tiền ảo nhưng né tránh đưa ra bất kỳ kết luận nào.

“Đối với nhiều CBDC, thách thức chính có thể là sự thờ ơ của những người dùng mục tiêu. Không rõ tiền điện tử có thể mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng ở các quốc gia đã có hệ thống thanh toán di động hiệu quả” - Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
98,559.50 +1,412 (+1.45%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả