Đường đến dịch vụ “một cửa” của Digiworld
Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) đã thông qua Tờ trình bổ sung ngành nghề mới là nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận.
Động thái này được phát đi không lâu sau khi Công ty trở thành nhà phân phối chính thức sản phẩm Apple thứ 4 ở thị trường Việt Nam.
Mảnh ghép tiếp theo
Cùng thời điểm với Digiworld còn có Petrosetco tham gia thị trường này. Trước đó, sân chơi Apple chính hãng thuộc về Công ty TNHH nhà nước MTV Thương mại - Xuất nhập khẩu Viettel và Công cổ phần Synnex FPT.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, quy mô thị trường sản phẩm Apple ở Việt Nam là 1 tỷ USD và nhóm sản phẩm chính hãng mới chiếm 60% thị phần.
Việc bổ sung 2 nhà nhập khẩu mới kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa hàng chính hãng Apple với hàng xách tay trong tương lai. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, lợi thế quy mô của Digiworld sẽ góp phần làm giá sản phẩm Apple mềm hơn trong thời gian tới, nhưng giảm giá không phải là chiến lược ưu tiên của Digiworld khi tham gia thị trường này.
Việc đăng ký ngành nghề nghiên cứu thị trường là hình thức hợp thức hóa dịch vụ này của Công ty về mặt pháp lý để hướng đến cung cấp dịch vụ “một cửa” cho các nhà cung cấp.
Cụ thể, theo ông Việt, Digiworld là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam cung cấp từ dịch vụ nghiên cứu, khảo sát thị trường, lên kế hoạch tiếp thị, kho bãi, phân phối sản phẩm, đến bảo hành cho các nhà sản xuất.
Đây là xu hướng tìm kiếm đối tác hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất khi thâm nhập thị trường Việt Nam và việc cung cấp một giải pháp tổng thể giúp Công ty có lợi thế hơn khi đàm phán, đồng thời góp phần cải thiện lợi nhuận biên.
Nhìn xa hơn, định hướng này không dành riêng cho Apple, mà phục vụ chiến lược phát triển theo chiều ngang của Công ty. Theo đó, Digiworld sẽ tiếp tục tăng các nhãn hàng dựa trên lợi thế kênh phân phối của mình, gồm các sản phẩm điện gia dụng, Internet vạn vật, thực phẩm chức năng. “Chúng tôi tìm kiếm các nhà cung cấp mới hàng tuần”, ông Việt nói.
Kiểm soát tồn kho
Thực tế, mở thêm dịch vụ nghiên cứu thị trường chỉ là phần nổi và hoạt động quản lý hàng tồn kho mới thực sự đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phát triển theo hàng ngang và dịch vụ “một cửa” của Digiworld.
Ông Việt cho biết, chính sách của Công ty là kiểm soát hàng nhập hàng tuần để bám sát nhu cầu thị trường và giảm thiểu tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho quá nhiều.
Trong quý I/2020, mức hàng tồn kho của Digiworld giảm 42% so với đầu năm nay. Việc quản lý giúp Công ty hạn chế giảm giá sản phẩm để giải phóng hàng tồn, giúp biên lợi nhuận gộp của Digiword cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt hàng tồn kho cũng giúp tỷ lệ vay nợ trong quý I/2020 giảm 37% so với cùng kỳ, dẫn đến chi phí lãi vay giảm 11%. Ngoài ra, tỷ trọng chi phí bán hàng/doanh thu thuần và chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần trong quý I/2020 đều được kiểm soát ở mức 1 - 3%, chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, chủ yếu đến từ gia tăng quảng cáo sản phẩm.
Vì vậy, kinh doanh của Digiworld đạt kết quả tốt trong quý I, bất chấp dịch bệnh bùng phát.
Ông Việt cho biết, mùa dịch vừa qua, Digiworld không bị tình trạng thiếu hàng, vì đã có kế hoạch đặt hàng sớm đủ thời gian cho các nhà cung cấp chuẩn bị. Tương tự, việc đặt trước các nhà nhập khẩu từ đầu năm cũng giúp chi phí vận chuyển của Công ty không bị đội giá.
Digiworld vẫn tiếp tục quản lý chặt kho hàng của mình để hoàn thành kế hoạch trong năm nay. Công ty khá tự tin với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt tương ứng 10.000 tỷ đồng và 202 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 25%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Digiworld ghi nhận doanh thu đạt 4.850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế 91 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung trong năm 2020, điện thoại di động được kỳ vọng là mảng đóng góp hơn 40% doanh thu của Công ty thông qua việc tái phân phối thương hiệu Nokia ở phân khúc cơ bản và thâm nhập sâu vào phân khúc bình dân - trung cấp (trên 4 triệu đồng) với thương hiệu Xiaomi.
Mảng thiết bị văn phòng, máy tính tiếp tục tăng trưởng nhờ Đề án Chuyển đổi số quốc gia và phân phối các thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Về mảng thực phẩm chức năng, công ty sẽ bổ sung nhãn hàng thực phẩm chức năng của Canada.
Trên thực tế, rủi ro đối với kế hoạch của Digiworld vẫn có. Trong buổi gặp mặt các quỹ đầu tư hồi tháng 4/2020, ông Việt cho biết, chuỗi cung ứng nhập hàng chủ yếu của Công ty có thể thiếu hụt trong quý tiếp theo do đa phần các nhà cung cấp của Digiworld đều ở Vũ Hán - nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất của Covid-19. Hiện vẫn còn một số đơn hàng của Digiworld chưa hoàn thành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận