menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Tiểu Mạnh

Dùng "tiền tươi" thúc đẩy tăng trưởng

Hàng loạt chính sách mới hướng tới việc đưa “tiền tươi” vào doanh nghiệp, giúp khơi thông tình trạng nghẽn thanh khoản của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng đã được ban hành liên tiếp trong vài tuần qua. Tuy nhiên, tình hình quý I khiến giới doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, cần kết hợp tổng thể nhiều chính sách như huy động “nhiều quân binh chủng” để chống suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Vốn tắc, lãi suất cao vẫn là cản trở lớn

Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty thừa nhận bất ngờ với diễn biến thị trường nửa cuối năm ngoái. Tồn kho quý III/2022 của Công ty cao, trong khi giá HRC (thép cuộn cán nóng) giảm 50% so với cùng kỳ, thị trường gần như mất thanh khoản khiến Công ty thua lỗ.

Cuối năm, khi giá HRC giảm sâu, Công ty quyết định mua hàng để bình quân giá. Giá HRC sau đó phục hồi từ 520 USD/tấn lên 720 USD/tấn nên đến thời điểm này, giá tồn kho đã tốt trở lại giúp Công ty có lãi từ quý II. Đó cũng là lý do vì sao tồn kho của NKG cuối năm ngoái rất cao.

Câu chuyện bình quân giá hàng tồn kho rất bình thường với các doanh nghiệp ngành thép, bởi giá nguyên liệu đầu vào diễn biến thất thường. Nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn tín dụng để bình quân giá thì việc khắc phục lỗ vốn hàng tồn kho trong chu kỳ giá xuống không khả thi và doanh nghiệp có thể kiệt quệ tài chính.

Nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn tín dụng để bình quân giá thì việc khắc phục lỗ vốn hàng tồn kho trong chu kỳ giá xuống không khả thi và doanh nghiệp có thể kiệt quệ tài chính.

Vốn tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng với những ngành hàng xuất khẩu có tính mùa vụ như gạo, thủy sản, nhưng doanh nghiệp các ngành này đang gặp khó khăn cả về hạn mức vay và lãi suất.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nguồn cung gạo trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối theo mùa vụ nên hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ngân hàng siết tín dụng, không giải ngân thêm hạn mức so với các khoản vay cũ, lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong thu mua nguyên liệu cho bà con nông, ngư dân.

Một khoản tín dụng kịp thời có thể giúp một doanh nghiệp phát triển trở lại hay phá sản trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, các giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn tín dụng, thanh khoản trong nền kinh tế được ban hành vừa qua (như Thông tư 02 về xử lý nợ hay Thông tư 03 cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu phát hành) được đánh giá là đi vào trọng tâm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn cao.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, lãi suất cho vay ở mức 10 - 14%/năm phổ biến hiện nay có giảm so với thời điểm căng thẳng, chứ chưa kích thích được sản xuất. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng các ngân hàng tư nhân áp dụng vẫn ở mức 8 - 8,5%/năm, cao hơn nhiều thời điểm trước dịch Covid-19 (lãi suất huy động cao nhất chỉ 7%/năm). Theo ông Tuấn, nên phân loại doanh nghiệp và ngành thiết yếu để giảm lãi suất ngay trên dư nợ vay hiện tại, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Ông Lê Thanh Hòa, CFA, Trưởng nhóm ngành ngân hàng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, bên cạnh các văn bản mới được ban hành, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sửa đổi quy định cũ để tăng hỗ trợ cho nền kinh tế và các ngành nghề gặp khó khăn như dự thảo sửa đổi Thông tư 41.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết liệt đưa ra các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với đó là sự sát sao trong việc chỉ đạo và giám sát hạ lãi suất huy động và cho vay ở các ngân hàng. Nếu lãi suất điều hành được hạ thêm trong quý II/2023, từ đó giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, sẽ giúp giảm chi phí tài chính cũng như kích thích tiêu dùng và đầu tư nội địa.

Dấu hỏi về cầu

Các doanh nghiệp đang đối mặt với sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa, mà các số liệu thống kê của quý I/2023 đã phản ánh, nhưng những dự báo cho các quý tới cũng chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp thép đều cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã qua, nhưng khi nào khởi sắc thì chưa biết. Nhà sản xuất thép lớn nhất là Hòa Phát khẳng định, tùy theo nhu cầu thị trường để khởi động lại các lò cao (đã dừng hoạt động từ cuối năm 2022).

Trong khi đó, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW) cho rằng, với dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam, thị trường tiêu thụ nói chung sẽ tốt hơn vào quý III, quý IV, nhưng không đáng kể, phục hồi khoảng 10%. Phục hồi đáng kể phải từ nửa cuối năm 2024. Vì thế, kỳ vọng năm 2024 mới là năm phục hồi trở lại của DGW ở các ngành hàng cũ và ngành hàng mới.

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ, hầu hết các báo cáo đều nhận định kinh tế sẽ phục hồi từ quý III và quý IV, đặc biệt sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố tích cực, nhưng HSC dự báo nền kinh tế Việt Nam không dễ hồi phục trong giai đoạn này. Lý do khách quan là nền kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với lãi suất cao trong năm nay. Ở trong nước, giải ngân đầu tư công không được như kỳ vọng thì thời gian phục hồi sẽ bị đẩy xa hơn.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp cho thấy ngay cả những nhu cầu thiết yếu cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, tổng cầu tiêu thụ xăng dầu trong quý I vừa qua, theo đánh giá của Ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam, không tăng so với cùng kỳ.

Còn các trạm thu phí cầu đường dự án BOT tại xa lộ Hà Nội, Ninh Thuận, trục giao thông thiết yếu, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư, ghi nhận lượng xe lưu thông giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Khi được cổ đông hỏi về kế hoạch đầu tư năm nay, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thẳng thắn trả lời: “Nằm im, không làm gì cả, vì tiền ra lúc này không tắc chỗ này sẽ tắc chỗ khác”.

Đi vào trọng tâm và kết hợp nhiều chính sách

Không ít doanh nghiệp thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay; trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan là suy giảm kinh tế nói chung, còn có những nguyên nhân chủ quan của nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục có động thái can thiệp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long (mã NLG) cho biết, rất hy vọng vào các hành động quyết liệt gần đây của Chính phủ và chính quyền TP.HCM trong giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản.

Ông Hòa nhấn mạnh, những “cơn gió ngược” dồn dập đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những chính sách hỗ trợ như hạ lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN. Thông tư 02 giúp cho doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời chưa bị nhảy nhóm nợ tiếp tục tiếp cận nguồn tín dụng để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn và có thể phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Các ngân hàng tạm thời chưa phải ghi nhận nợ xấu và có thể phân bổ trích lập chi phí dự phòng tín dụng trong 2 năm, giúp cho bảng cân đối kế toán cũng như lợi nhuận tích cực hơn. Thông tư 03 giúp cho các ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng, từ đó, gia tăng thanh khoản cũng như niềm tin nhà đầu tư và giúp cho thị trường trái phiếu phục hồi nhanh hơn. Bên cạnh đó, thông tư này cũng giúp cho ngân hàng có thể thực hiện các nghiệp vụ repo từ trái phiếu phát hành riêng lẻ để gia tăng thanh khoản.

"Cùng với những điểm mới trong chính sách tiền tệ, tôi cũng kỳ vọng thanh khoản của nền kinh tế có thể được cải thiện thông qua các công cụ tài khóa như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích thích đầu tư tư nhân (miễn giảm thuế, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đặc biệt là pháp lý dự án bất động sản…) và kích thích tiêu dùng (giảm thuế VAT, gia tăng thu nhập ròng của người dân như giảm giảm thuế thu nhập cá nhân…)", ông Hòa nói.

Ông Tuấn nhận định, thiếu room tín dụng là câu chuyện cuối năm ngoái, còn thời điểm này, vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất, rất cần các giải pháp mạnh hơn để bơm tiền, bơm vốn mồi trở lại vào nền kinh tế.

“Nên chăng thành lập quỹ hỗ trợ thanh toán đối với trái phiếu doanh nghiệp, tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, đồng thời cũng đảm bảo hiệu quả sinh lời cho quỹ. Triển khai ngay việc giao dịch mua bán trái phiếu tập trung trên sàn giống như sàn UPCoM để tăng tính minh bạch và thanh khoản cho các loại trái phiếu doanh nghiệp. Những giải pháp này cùng với hoạt động truyền thông định hướng tích cực sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm phục hồi, hơn là để thị trường tự chữa lành dự kiến phải mất 3 đến 5 năm”, chuyên gia đề xuất.

Cùng với thúc đẩy đầu tư công, ông Tuấn cũng cho rằng, miễn giảm thêm các loại thuế, hoãn miễn giảm thuế đất cũng là giải pháp cần thiết. “Trong bối cảnh khó khăn nhiều bề hiện nay, các chính sách hỗ trợ cần kết hợp nhiều quân binh chủng mới đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô , thúc đẩy tăng trưởng”, ông nói.

Diễn biến thị trường chứng khoán gần đây phản ánh tâm lý của nhà đầu tư đang quan sát chờ đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ ngấm đến doanh nghiệp. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã đi vào trọng tâm, nhưng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay cần các giải pháp toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chính sách cần được triển khai một cách hiệu quả để tạo được niềm tin trong nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,279.91

-21.60 (-1.66%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả